Thế giới quần vợt cần Carlos Alcaraz
Nhận xét như thế có nghịch lý không khi có thế giới quần vợt mới có Alcaraz?
20 năm qua, quần vợt nam thế giới đưa người hâm mộ từ hào hứng rồi lên đến đỉnh cao của sự quan tâm, cuốn hút với sự xuất hiện của Big 3 gồm Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic.
Tài năng tuyệt đỉnh của ba tay vợt này là miễn bàn. Những cuộc thư hùng, tranh đua giữa Big 3 đã tạo ra hàng loạt kỷ lục và là đề tài thú vị bất tận cho truyền thông cùng người hâm mộ làng banh nỉ.
Nhưng điều gì cũng có giới hạn của nó. Sự thống trị quá lâu của Big 3 đã khiến cho toàn thế giới phát ngán khi phải ăn mãi món thức ăn quen thuộc. Tất cả mong đợi sẽ có một ngôi sao mới xuất hiện để thách thức, để thay đổi và hơn hết là có thể thay thế rồi kết thúc thời kỳ tuyệt hay của bộ ba huyền thoại trên.
Đã có lúc người hâm mộ hy vọng ở Daniil Mevedev (27 tuổi, từng là số 1 thế giới, hiện nay xếp hạng 3); Alexander Zverev (26 tuổi, từng xếp hạng 2 thế giới, hiện nay hạng 19) và đặc biệt là Stefanos Tsitsipas (24 tuổi, vị trí cao nhất là 3, nay là hạng 4)... nhưng rồi tất cả đều thất vọng.
Và, chỉ đến rạng sáng 17.7, khi tay vợt 20 tuổi người Tây Ban Nha Carlos Alcaraz vô địch Wimbledon 2023 khi vượt qua Novak Djokovic, người sở hữu 23 danh hiệu Grand Slam - nhiều nhất lịch sử quần vợt nam – người hâm mộ không chỉ tin mà còn khẳng định: Alcaraz đã mở ra kỷ nguyên mới cho quần vợt thế giới.
Có một chi tiết không thể bỏ sót, đó là khi Alcaraz chào đời, năm 2003, thì đó cũng là năm Federer khởi đầu cho Big 3 đoạt chiếc đĩa bạc Wimbledon. Suốt 20 năm qua, sân đấu chính All England Club luôn là nơi dành riêng cho Big 3 cùng tay vợt chủ nhà Andy Murray đăng quang (2 lần), mà tài năng Murray có lúc được đưa vào nhóm Big 4.
Phải chăng Alcaraz sinh ra là để chứng kiến rồi kết thúc sự ngự trị của Big 3?
Thời gian mới có thể trả lời chính xác, nhưng trước mắt, chuỗi vô địch liên tiếp 20 năm của Big 4 đã bị chấm dứt bởi Alcaraz.
Alcaraz cũng là tay vợt phá vỡ giấc mơ của Djokovic cân bằng kỷ lục 8 lần vô địch Wimbledon trong đó có 5 lần liên tiếp của Federer. Alcaraz cũng khiến cho Nole (biệt danh của Djokovic) chưa thể chia sẻ kỷ lục sở hữu 24 danh hiệu Grand Slam nhiều nhất lịch sử quần vợt nam và nữ với Margaret Court.
Alcaraz cũng đã buộc Djokovic chấm dứt chuỗi trận thắng liên tiếp tie-break ở con số 15 khi Alcaraz đã vượt qua tay vợt người Serbia 8-6 để thắng ván 2 và gỡ hòa 1-1 trong trận chung kết kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ rồi giành chiến thắng chung cuộc 3-2.
Chiến thắng của tay vợt 20 tuổi người Tây Ban Nha không chỉ ấn tượng từ việc ngăn chặn những con số kỷ lục của Djokovic, mà còn mang ý nghĩa lớn hơn khi chính bại tướng 36 tuổi thua tâm phục, khẩu phục.
“Alcaraz sở hữu những kỹ năng hay nhất của nhóm Big 3 chúng tôi. Alcaraz có tinh thần chiến đấu và khả năng phòng ngự đáng kinh ngạc thường thấy ở Nadal. Anh ấy có những cú trái hai tay giống tôi. Tôi chưa bao giờ đối đầu với một đối thủ như vậy. Federer và Nadal có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Nhưng Alcaraz là tay vợt hoàn hảo" - Nole nhận xét.
Quần vợt thế giới cả nam lẫn nữ, bao năm qua không có nhân tố mới, không có những siêu sao thật sự để đem lại cảm xúc dâng trào trong lòng người hâm mộ.
Những ngày xa trước là những cuộc so tài hấp dẫn của những John McEnroe với Ivan Lendl; Pete Sampras với Andre Agassi; của Big 3 (nhưng quá lâu); hoặc bên nữ là Chris Evert với Martina Navratilova; là Steffi Graf với Monica Seles; là hai chị em nhà Williams cùng với Justin Henin, Martina Hingis... Từng thế hệ là những cuộc cạnh tranh khốc liệt của một nhóm ngôi sao cùng đẳng cấp. Nhưng kể từ khi Big 3 xuất hiện, quần vợt thế giới đã bị chia tách: Big 3 và phần còn lại yếu ớt của thế giới! Còn quần vợt nữ thì chưa một ai đủ tài năng trở thành tay vợt tiêu biểu trong thế hệ của họ.
Giống như trong bóng đá, dù là môn tập thể nhưng thời kỳ nào cũng rất cần những siêu sao. Sau Pele là những Johan Cruff, Franz Beckenbauer, Michel Platini, Zico, Maradona, Zidane, Ronaldo (Brazil), Messi, Ronaldo (Bồ Đào Nha) hay giờ đây là Kylian Mbappe, Earling Haaland.
Môn thể thao tập thể mà còn cần cá nhân chói sáng huống chi quần vợt là môn cá nhân mà không có cá nhân xuất sắc, nổi bật thì còn gì là hấp dẫn!
Vì vậy, sau những trận thua rồi tuyên bố giải nghệ của Roger Federer, của Serena William, hay Nadal bị chấn thương hành hạ và chưa biết khi nào trở lại, mà có trở lại liệu có hồi phục phong độ đỉnh cao, thì cái cách chiến thắng của Alcaraz trước Djokovic tại Wimbledon 2023 là dấu hiệu quần vợt thế giới đỉnh cao được tái sinh.
Alcaraz, tuổi 20, 2 lần vào chung kết Grand Slam và vô địch cả 2 lần tại Mỹ mở rộng 2022, Wimbledon 2023. Tương lai cùng sự nghiệp rực rỡ của Alcaraz dường như không giới hạn, và Alcaraz chứ không ai khác là người đã cứu quần vợt thế giới thoát khỏi sự nhàm chán!
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/the-gioi-quan-vot-can-carlos-alcaraz-202344.html