Thế giới Thế giới Liên Hiệp quốc: Nhu cầu viện trợ nhân đạo tăng mạnh trong năm 2022
Liên Hiệp quốc (LHQ) ngày 2/12 cảnh báo rằng nhu cầu viện trợ nhân đạo đang tăng vọt trên toàn thế giới, khi đại dịch tiếp tục hoành hành, cùng với biến đổi khí hậu và xung đột đang đẩy nhiều người đến bờ vực của nạn đói.
Ước tính trong năm 2022, khoảng 274 triệu người trên thế giới sẽ cần đến một số hình thức hỗ trợ khẩn cấp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp quốc OCHA ước tính rằng trong năm tới, khoảng 274 triệu người trên toàn cầu sẽ cần đến một số hình thức hỗ trợ khẩn cấp, tăng 17% so với mức kỷ lục năm 2021.
Điều đó có nghĩa là cứ 29 người trên thế giới thì có một người cần được hỗ trợ nhân đạo vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 250% kể từ năm 2015 – thời điểm khi cứ 95 người thì có một người cần được hỗ trợ, OCHA cho biết trong báo cáo Tổng quan về Nhân đạo Toàn cầu (GHO) năm 2022.
Các cơ quan LHQ và các tổ chức nhân đạo ước tính việc cung cấp viện trợ cho 183 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở 63 quốc gia trong năm tới sẽ cần 41 tỷ USD - tăng so với mức 35 tỷ USD cần có cho năm 2021 và gấp đôi mức yêu cầu của chỉ mới 4 năm trước.
Tình trạng nghèo cùng cực đang gia tăng
Theo Reuters, báo cáo của OCHA đã vẽ ra một bức tranh đáng buồn khi nhu cầu được hỗ trợ nhân đạo tăng cao do xung đột và bất ổn ngày càng trầm trọng ở những nơi như Afghanistan, Ethiopia và Myanmar.
Bên cạnh đó, các thảm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tình trạng di dời và nhu cầu nhân đạo, cộng với những bất ổn do đại dịch COVID-19 kéo dài.
Theo báo cáo, hơn 1/5 dân số thế giới phải di dời và tình trạng nghèo cùng cực đang gia tăng trở lại. Đáng chú ý, trong hầu hết các cuộc khủng hoảng, phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương nhiều nhất do bất bình đẳng giới và các rủi ro ngày càng cao.
Bảo cáo cũng chỉ ra rằng những tác động của COVID-19 - đại dịch đã chính thức cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên toàn cầu và con số thực tế thậm chí có thể cao hơn nhiều lần, cùng với các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, đã đẩy thêm khoảng 20 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực.
Đại dịch COVID-19 cũng tàn phá các hệ thống y tế trên toàn cầu, với tỷ lệ xét nghiệm HIV, lao và sốt rét giảm 43%, và 23 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã bỏ lỡ các mũi vaccine cơ bản trong năm 2021.
Đồng thời, các thảm họa liên quan đến khí hậu đang trở nên thường xuyên hơn, báo cáo cho biết, từ đó cảnh báo rằng đến năm 2050, khoảng 216 triệu người có thể buộc phải di dời trong nước do ảnh hưởng của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu đang góp phần làm gia tăng nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực, và các tình trạng tương tự như nạn đói vẫn là “nguy cơ thực sự” đe dọa 45 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới.
“Nếu không có hành động liên tục và ngay lập tức, năm 2022 có thể là một năm thảm họa”, OCHA cảnh báo và chỉ ra rằng có tới 811 triệu người trên toàn thế giới đang bị thiếu ăn.
“Viện trợ có thể tạo ra sự khác biệt”
Ông Martin Griffiths, người đứng đầu cơ quan viện trợ của LHQ, cho biết số người cần được hỗ trợ “chưa bao giờ nhiều đến như vậy”. Tuy nhiên, việc cung cấp viện trợ cho rất nhiều người là “không bền vững”, “đó không phải là giải pháp, như chúng ta đã thấy ở Afghanistan. Hỗ trợ không phải là một phương thuốc, không phải là một cách để ổn định xã hội”, ông Griffiths xác nhận.
Mặc dù vậy, ông Griffith cho rằng “hỗ trợ nhân đạo có vai trò rất quan trọng và có thể tạo ra sự khác biệt, như một chiếc phao cứu sinh”, từ đó nhấn mạnh phải duy trì việc viện trợ cho những người cần được giúp đỡ.
Được biết, từ đầu năm đến nay, các quốc gia thành viên và các nhà tài trợ quốc tế đã cung cấp hơn 17 tỷ USD cho các dự án viện trợ nhân đạo của OCHA, bất chấp những khó khăn về kinh tế do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, các khoản tài trợ này vẫn chưa bằng một nửa so với con số mà LHQ và các tổ chức đối tác cần có để đáp ứng đủ nhu cầu viện trợ.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & UN News)