Thế giới Thế giới Trí tuệ nhân tạo có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh

Đây là nhận định được ông Sidney Lim, Giám đốc Điều hành tại khu vực Đông Nam Á và Singapore của nhà phát triển phần mềm doanh nghiệp Beyond Limits đưa ra trong một bài viết. Bài viết này vừa được đăng tải trên Tạp chí Nikkei Asia.

Trí tuệ nhân tạo có tiềm năng đóng một vai trò lớn hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, các thị trường năng động của khu vực Đông Nam Á đã chuyển hướng sang thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới một tương lai không carbon với năng lượng xanh.

Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi này không chỉ có ý nghĩa cứu lấy hành tinh. Trong "Báo cáo về nền kinh tế xanh của Đông Nam Á năm 2022", Công ty tư vấn Bain & Co. đã ước tính, việc sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ tạo ra doanh thu trị giá 30 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 trong khu vực này. Thật vậy, cam kết của khu vực đối với năng lượng xanh đã đạt được động lực chưa từng có, ở cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân.

Ông Sidney Lim cho biết, các Chính phủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo, cũng như những nỗ lực để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, và đã đạt được sức hút kể từ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Sự kiện này đã được tổ chức hồi tháng 11 năm ngoái tại thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập.

Tiếp ngay sau đó, Indonesia, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ năm thế giới, đã ký kết một thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), nhằm loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, bất chấp các cam kết gia tăng nhằm hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0, các nỗ lực khử carbon của Đông Nam Á vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Vẫn còn những trở ngại đối với việc mở rộng quy mô nền kinh tế xanh, mặc dù lĩnh vực năng lượng tái tạo của khu vực này đang phát triển với sự hỗ trợ từ công nghệ và lợi nhuận hấp dẫn.

Qua đó, tác giả của bài viết cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) có vai trò trong việc khắc phục một số trở ngại này, thông qua các giải pháp cơ sở hạ tầng thông minh đối với ngành năng lượng, trong đó có thể giúp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, giảm rủi ro, đồng thời tăng cường tính bền vững.

Bất chấp đà tăng trưởng, cơ sở hạ tầng kém hiệu quả đang cản trở việc sản xuất năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á; và một khi việc sản xuất năng lượng tái tạo trở nên hiệu quả hơn, các lưới điện cần được nâng cấp để phù hợp với mức độ phức tạp cao hơn.

Đây là lĩnh vực mà trí tuệ nhân tạo có thể tham gia để cung cấp khả năng giá trị gia tăng. Cụ thể, công nghệ này có khả năng học hỏi từ các mô hình sử dụng và đưa ra dự đoán chính xác về nhu cầu trong tương lai. Từ đó, lãng phí năng lượng phần lớn cũng có thể được thu hẹp, bằng cách cung cấp điện phù hợp với nhu cầu.

Ngoài ra, nhu cầu năng lượng ở khu vực Đông Nam Á đã tăng trưởng trung bình 3% mỗi năm trong hai thập kỷ qua. Khoảng ba phần tư nhu cầu mới này được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp những nỗ lực hướng tới năng lượng xanh hơn.

Thông qua việc giảm thiểu cả chất thải và lượng khí thải carbon, trí tuệ nhân tạo có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu xanh. Sau đó, các nhà quản lý lưới điện có thể biết khi nào cần lưu trữ năng lượng, và khi nào cần kích hoạt lưới điện siêu nhỏ để đạt được dòng năng lượng ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi của ngành này sang năng lượng tái tạo, bằng cách đưa ra những dự đoán về khả năng cung cấp năng lượng được tạo ra tự nhiên, bằng cách dự đoán các điều kiện khí tượng, trong đó sử dụng dữ liệu lịch sử và những kiểu thời tiết sắp diễn ra.

Theo ông Sidney Lim, với cam kết về lợi ích đã được chứng minh trong những ngành công nghiệp phức tạp, ngành năng lượng tái tạo có thể trông cậy vào trí tuệ nhân tạo. Phát triển năng lượng xanh có thể vẫn đang ở giai đoạn ban đầu tại khu vực Đông Nam Á; nhưng ngày nay, nỗ lực này đang tạo nên những làn sóng lớn.

Để đạt được mục tiêu này, trí tuệ nhân tạo có thể mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết mà khu vực Đông Nam Á và các doanh nghiệp trong khu vực này cần có, để tiến tới các mục tiêu trung hòa carbon.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tri-tue-nhan-tao-co-the-giup-day-nhanh-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-xanh-a124856.html