Thế giới tuần qua: Cảnh báo nguy hiểm
Đại dịch Covid-19 đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, những mâu thuẫn, thách thức vốn âm ỉ, tồn tại lâu dài tiếp tục có diễn biến phức tạp. Nhiều khu vực đứng trước nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột mới.
1. Mỹ chính thức đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại Thành Đô (Trung Quốc)
Giới chức Trung Quốc ngày 27-7 đã tiếp quản tòa nhà nơi từng là Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam nước này. Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Bắc Kinh yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán nước này tại Trung Quốc, nhằm đáp trả việc Washington đưa ra yêu cầu tương tự với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston.
Quốc kỳ Mỹ được hạ xuống trong khuôn viên tòa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Ảnh: CCTV.
Bắc Kinh nhấn mạnh việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là "phản ứng chính đáng và cần thiết đối với các biện pháp vô lý của Mỹ", đồng thời cáo buộc rằng các nhân viên tại cơ quan ngoại giao này hành xử không đúng mực.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một số nhân viên Mỹ tại Thành Đô "đã tham gia các hoạt động ngoài thẩm quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích của Trung Quốc". Trong khi đó, giới chức Washington lại cho rằng nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại Houston đã tìm cách "đánh cắp những bí mật, nghiên cứu khoa học và y tế độc quyền" của công ty Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ đang bất đồng về một số vấn đề quan trọng, trong đó có hoạt động thương mại, tình hình tại Khu đặc hành chính đặc biệt Hong Kong, vấn đề Biển Đông và nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Những đòn trả đũa lẫn nhau giữa hai nước trong thời gian gần đây đã khiến quan hệ song phương xấu đi nghiêm trọng.
2. Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch Covid-19
Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng và việc nhiều nước có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa. Đây là nhận định chung của hơn 500 nhà kinh tế đưa ra trong các khảo sát do hãng Reuters tiến hành.
Theo dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm 4%, khoảng 3,4 nghìn tỷ USD, tương đương với quy mô nền kinh tế Canada và Australia cộng lại. Trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát và việc điều chế vaccine ngừa bệnh hiệu quả, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ tăng trưởng 5,3%, giảm nhẹ so với mức dự đoán 5,4% được đưa ra tháng trước. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, kinh tế toàn cầu tăng trưởng -6,5% trong năm nay và sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2021.
Đa số các nhà kinh tế đều hạ dự báo triển vọng kinh tế của Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Australia và dự đoán tăng trưởng trong năm 2021 của những nước này là khiêm tốn. Đối với Eurozone, triển vọng kinh tế trong năm tới có phần sáng sủa hơn sau khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) nhất trí tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro. Trong khi đó, nền kinh tế các nước Mỹ Latinh chưa có dấu hiệu khả quan khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát với các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng. Tại Trung Quốc, các chuyên gia dự đoán kinh tế nước này có thể hồi phục nhanh hơn, dù kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu ra thế giới.
Về tình hình dịch Covid-19, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút ngày 1-8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 17.754.183 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 682.885 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 11.158.280 người. Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 với 4.705.889 ca nhiễm và 156.747 ca tử vong.
3. Cảnh báo tuyến đường di cư nguy hiểm qua châu Phi
Ngày 29-7, Liên hợp quốc (LHQ) công bố báo cáo cho biết, hàng nghìn người di cư đã thiệt mạng sau khi bị tấn công và lạm dụng nghiêm trọng trong quá trình vượt biên qua châu Phi. Ước tính mỗi tháng lại có 72 người thiệt mạng trong hành trình đầy nguy hiểm này. Chỉ riêng trong năm 2018 và 2019, ít nhất 1.750 người đã bỏ mạng khi vượt biên.
Thống kê cho thấy gần 1/3 trong số những người tử vong khi vượt biên đường bộ tìm cách đi qua sa mạc Sahara ở châu Phi. Những người khác đã bỏ mạng khi đi qua khu vực miền Nam chiến sự bất ổn của Libya. Tuyến đường chết chóc còn lại là CH Trung Phi và Mali đang chìm trong xung đột. Những người sống sót khi qua đây thường phải chịu những chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt là những ai vượt biên qua Libya, nơi xảy ra nhiều vụ giết hại, tra tấn và cưỡng bức lao động.
Theo báo cáo, hàng chục nghìn người tị nạn, thường tới từ vùng sa mạc miền Nam châu Phi và châu Á, với hy vọng vượt biên qua Địa Trung Hải, đã bị mắc kẹt tại Libya - một tuyến đường di cư bất hợp pháp quan trọng đến châu Âu. Nhiều người trong số này đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Libya chặn và yêu cầu quay thuyền.
Thủ phạm chính gây nên tình trạng này tại khu vực Bắc và Đông Phi chính là những kẻ buôn người. Cao ủy LHQ về Người tị nạn, ông Filippo Grandi kêu gọi lãnh đạo các nước trong khu vực cần có hành động cứng rắn và cụ thể, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt các hành vi tàn ác này, bảo vệ người các nạn nhân và đưa thủ phạm ra trước công lý.
4. Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30-7 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng quy mô các lệnh trừng phạt Iran liên quan đến kim loại, nhằm vào 22 vật liệu đặc biệt, trong đó có nhiều dạng vật liệu bằng thép, nhôm..., mà ông cho là đã được sử dụng trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo và quân sự.
Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao sẽ cho phép Washington đưa vào danh sách đen bất cứ ai cố tình chuyển từ hoặc tới Iran các vật liệu, như than chì, hoặc các kim loại thô hoặc đã qua sơ luyện. Ngoại trưởng Mỹ lập luận rằng các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và quân sự của Iran "đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".
Ngoài quyết định trừng phạt trên, Mỹ cũng đang tìm cách để duy trì các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran nếu lệnh cấm vận vũ khí hiện nay hết hiệu lực.
Vế phía Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình theo đúng các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cũng bác khả năng đàm phán với Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, ngày 28-7, Iran đã sử dụng mô hình tàu sân bay của Mỹ làm mục tiêu trong các cuộc tập trận ở vùng Vịnh.
5. Nguy cơ bùng phát xung đột mới giữa Israel với Liban và Syria
Tình hình khu vực biên giới giữa Israel với Liban và Syria đang nóng lên, có nguy cơ đẩy cả khu vực vào cuộc xung đột mới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 26-7 cảnh báo Syria và Liban sẽ phải chịu trách nhiệm đối với bất cứ cuộc tấn công nào từ lãnh thổ hai nước này nhằm vào Israel. Trước đó, Isarel bắt đầu tăng cường các lực lượng bộ binh ở biên giới sau vụ đụng độ giữa quân đội Israel và các tay súng thuộc phong trào Hezbollah ở Liban, lực lượng bị Israel cáo buộc được Iran hậu thuẫn. Trước đó, một tay súng Hezbollah đã thiệt mạng trong một vụ không kích được cho là do Israel tiến hành nhằm vào các vị trí của Iran ở Syria.
Ông Netanyahu nhấn mạnh Israel "sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công" nhằm vào các lực lượng của nước này, đồng thời nêu rõ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẵn sàng ứng phó với bất cứ mối đe dọa nào. Ông cũng khẳng định Israel "không cho phép Iran hiện diện quân sự ở biên giới phía Bắc Israel".
Trong khi đó, IDF thông báo một chiếc máy bay không người lái của lực lượng này đã rơi trên lãnh thổ Liban trong một chiến dịch của IDF dọc biên giới nước này ngày 26-7. Beirut cáo buộc Israel vi phạm chủ quyền Liban khi leo thang hành động quân sự nguy hiểm dọc biên giới hai nước. Chính quyền Beirut tiến hành nộp đơn kiện lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các cuộc tiến công của Israel.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi cả Liban và Syria đều đang gặp phải những khó khăn chồng chất về kinh tế. Hiện có tới gần 1 triệu người dân sống ở thủ đô Beirut của Liban có thể không còn khả năng trang trải cho các nhu cầu cơ bản của cuộc sống, kéo theo nguy cơ nhiều trẻ em chết vì thiếu ăn. Đồng nội tệ mất giá 80%, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, trong khi tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp đều tăng vọt.
Tại Syria, giá lương thực tăng 240% so cùng kỳ năm ngoái, khiến hơn một nửa dân số rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Nền kinh tế Syria dự báo sụt giảm khoảng 7% trong năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp hiện là 50%.
THANH SƠN (tổng hợp)