Thế giới tuần qua: Tín hiệu vui từ phát triển vaccine ngừa COVID-19; Tầm nhìn APEC đến năm 2040
Các đợt thử nghiệm cuối cùng vaccine ngừa COVID-19 cho kết quả cao và Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là hai vấn đề quốc tế đáng quan tâm trong tuần qua.
Tăng tốc trong cuộc đua vaccine ngừa COVID-19
Trong tuần qua, các công ty dược phẩm lớn của Mỹ, Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia khác đã liên tục có những tin tức tốt lành về vaccine ngừa COVID-19, thắp lên hy vọng chấm dứt đại dịch đã lây nhiễm cho trên 58 triệu người và cướp đi sinh mạng của trên 1,38 triệu người trên thế giới.
Tại Mỹ, hai loại vaccine ngừa bệnh COVID-19 triển vọng nhất đang trong giai đoạn thử nghiệm sau cùng gồm vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine của Moderna. Trong khi hãng dược phẩm Pfizer và đối tác BioNTech đã nộp đơn đề nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thì vaccine của Moderna cũng được chứng minh có hiệu quả ngừa COVID-19 lên tới 95% dựa trên các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này.
Việc xin cấp phép vaccine chỉ mang tính ngắn hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh khẩn cấp hiện nay, có thể được thu hồi hoặc điều chỉnh tùy thuộc hiệu quả và an toàn thực tế sử dụng sau đó. Tính đến ngày 21/11, Mỹ ghi nhận trên 12,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 260.000 trường hợp tử vong. Trong một tuần qua, ước tính Mỹ đã ghi nhận trên 1 triệu ca mắc mới, tăng 26% so với tuần trước đó.
Tại châu Âu, với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh khi các nước như Nga, Pháp, Đức và Anh đều ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới trong tuần, Liên minh châu Âu đã để ngỏ khả năng cấp phép lưu hành 2 ứng viên vaccine ngừa COVID-19 triển vọng của Mỹ trước cuối tháng 12 tới.
Tại Italy, Giám đốc Cơ quan khẩn cấp phòng chống COVID-19 của nước này ngày 19/11 cho biết sẽ có khoảng 1,7 triệu người Italy thuộc diện ưu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1/2021.
Cùng ngày, Chính phủ Argentina công bố kế hoạch trong 2 tháng đầu năm 2021 sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 10 triệu người dân, tức 1/4 dân số nước này.
Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số ít các quốc gia đã tới bước thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID19 giai đoạn cuối. Gần một triệu người đã sử dụng vaccine ngừa COVID-19 thử nghiệm do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển thông qua chương trình sử dụng khẩn cấp. Hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra tác dụng phụ hoặc phản ứng tiêu cực từ những người tham gia chương trình sử dụng vaccine khẩn cấp.
Trong khi đó, ở Ấn Độ - nơi có số ca mắc COVID-19 đã vượt 9 triệu người, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Viện Serum Ấn Độ (SII) thông báo có thể phân phối vaccine tới các nhân viên y tế và người lớn tuổi tại Ấn Độ vào tháng 1/2021.
Trước những tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất vaccine COVID-19, các hãng cung cấp thiết bị cho khâu hậu cần vận chuyển vaccine rục rịch bước vào thời điểm bận rộn. Việc bảo quản là một thách thức trong khâu vận chuyển vaccine COVID-19 do chúng thường phải được duy trì ở môi trường nhiệt độ cực lạnh. Cụ thể như đối với vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech cần nhiệt độ bảo quản xuống tới -70 độ C, không phải phương tiện vận tải nào cũng có sẵn các thiết bị đáp ứng nhu cầu.
Tầm nhìn APEC đến năm 2040
Từ ngày 11 đến 20/11, Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 với chủ đề "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường và thịnh vượng chung" diễn ra dưới hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Malaysia. Trong số các hoạt động của tuần lễ này, sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC, Hội nghị Cấp cao được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tối 20/11, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 27. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tầm nhìn đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai, trong đó APEC tiếp tục là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.
Trước những tác động và thiệt hại nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với thế giới và khu vực, hội nghị nhấn mạnh quá trình phục hồi còn nhiều rủi ro và không đồng đều. Theo đó, các nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy các gói kích thích kinh tế, chú trọng tài khóa minh bạch và bền vững, tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của người dân. Hội nghị đề cao vai trò của khoa học công nghệ trong kiểm soát và ứng phó dịch bệnh, bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng của tất cả người dân đối với vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu an toàn, chất lượng, hiệu quả và chi phí hợp lý.
Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường lòng tin, phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương, nắm bắt các cơ hội mới trên nền tảng công nghệ số, kết nối số để đưa châu Á – Thái Bình Dương sớm phục hồi và tiếp tục giữ vai trò động lực của tăng trưởng toàn cầu.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chính thức nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 với chủ đề "Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng".