Thế giới vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga kèm theo những nguy cơ tiềm ẩn

Châu Âu chi hơn 196 tỷ euro mua năng lượng từ Nga, vô tình tiếp sức cho cuộc chiến ở Ukraine, khiến nỗ lực cô lập Nga của phương Tây dường như thất bại.

Hơn hai năm rưỡi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, nỗ lực của phương Tây nhằm giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt Nga cũng như cô lập chính quyền Kremlin đã chậm lại.

 Ngọn lửa bùng phát từ tòa tháp của một nhà máy lọc dầu tại khu công nghiệp của PCK-Raffinerie GmbH - Đức, được biết đã ngừng nhập khẩu tất cả dầu thô từ Nga vào đầu năm. Ảnh: Christophe Gateau

Ngọn lửa bùng phát từ tòa tháp của một nhà máy lọc dầu tại khu công nghiệp của PCK-Raffinerie GmbH - Đức, được biết đã ngừng nhập khẩu tất cả dầu thô từ Nga vào đầu năm. Ảnh: Christophe Gateau

Quá trình chuyển đổi năng lượng của Liên minh châu Âu (E.U.) vẫn diễn ra mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho việc tiếp tục, thậm chí gia tăng việc mua năng lượng từ Nga, gián tiếp tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Kết quả là ông Vladimir Putin không hề lùi bước, đây cũng là một thất bại trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden và một sự chuyển dịch quyền lực địa chính trị có lợi cho các đối thủ của Mỹ, mang lại viễn cảnh u ám cho Ukraine.

Sức mạnh của Nga trong thế giới hiện đại chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Khoảng 50% ngân sách quốc gia của Nga trong hơn mười năm qua là từ xuất khẩu dầu khí.

Trước khi cuộc chiến bùng nổ, E.U. phụ thuộc vào Nga với hơn 40% nguồn cung năng lượng – bao gồm 25% dầu, 48% khí đốt, 48% than đá – và sự hoàn thành của đường ống Nord Stream 2 vào năm 2021 có thể đẩy những con số này cao hơn. Dường như ông Putin đã tính toán rằng châu Âu sẽ không dám có phản ứng quyết liệt trước cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, và thực tế cho thấy ông đã không sai.

Mỹ, Anh và E.U. đã đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Trong suốt hai năm 2022 và 2023, các nước phương Tây đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua tàu, các sản phẩm dầu, than đá, khí đốt qua ống dẫn và cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), cùng nhiều cơ chế tài chính cần thiết để thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, các biện pháp này không được thực hiện đồng loạt do E.U. không thể tồn tại nếu đột ngột bị cắt nguồn cung năng lượng từ Nga. LNG vẫn chưa bị cấm hoàn toàn, và tài nguyên năng lượng hạt nhân vẫn được phép nhập khẩu. Đối với dầu thô, thay vì cấm hẳn, Nhà Trắng đã dẫn đầu nỗ lực áp giá trần 60 USD/thùng để giới hạn lợi nhuận của Nga mà không gây thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, điều có thể làm tăng lạm phát.

Xuất khẩu khí đốt qua đường ống đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn một phần nhỏ chảy qua Ukraine và lên tới 38 tỷ mét khối mỗi năm được xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào châu Âu đã giảm mạnh, từ 16 tỷ euro xuống chỉ còn 1 tỷ euro mỗi tháng trong giai đoạn từ 2022 đến 2023, khiến doanh thu từ dầu khí của Nga giảm gần một phần tư.

Đó cũng là giới hạn của các lệnh trừng phạt phương Tây. Năm 2024 khi Nga đang có một năm tăng trưởng vượt bậc. Tăng trưởng GDP của nước này dự kiến vượt 4%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục và việc tuyển quân cùng lương bổng cho quân đội đã góp phần vào mức tăng trưởng lương kỷ lục.

Sự tăng trưởng của Nga là do chính quyền Kremlin đang bơm tiền vào các ngành công nghiệp quân sự để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh tại Ukraine – chi tiêu quốc phòng và an ninh chiếm tới 40% ngân sách công. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng trong nước chỉ là một phần của câu chuyện.

 Hình minh họa về lệnh cấm lên Nga. Ảnh: Israel Noticias

Hình minh họa về lệnh cấm lên Nga. Ảnh: Israel Noticias

Phần còn lại của thế giới dường như đã từ bỏ việc từ bỏ năng lượng của Nga. Các lệnh cấm các sản phẩm năng lượng của Nga không hơn gì một “vở kịch” trừng phạt. Áo là ví dụ điển hình, khi khí đốt từ Nga vẫn chiếm phần lớn trong tổng nguồn cung năng lượng của nước này.

Ngay cả khi nhập khẩu khí đốt qua đường ống sang E.U. đã chấm dứt, lượng mua LNG đắt đỏ từ Nga chưa bao giờ bị cấm và đã tăng gần 20%, giữ Nga ở vị trí nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho lục địa này, đảm bảo lợi nhuận cao cho Kremlin. Bên cạnh đó, các tàu chở dầu thuộc "hạm đội bóng tối" chở dầu Nga đã cập bến trực tiếp vào các cảng châu Âu trong vài tháng qua, vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng cộng, E.U. đã chi trả hơn 196 tỷ euro cho dầu, khí đốt và than đá của Nga kể từ tháng 2 năm 2022, dòng tiền này đã giúp Nga không chỉ tồn tại mà còn tái xây dựng lực lượng quân sự.

Sự thất bại trong việc trừng phạt Nga cũng dẫn đến sự suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển vị thế như một trung gian năng lượng, điều mà họ đang sử dụng để gây trở ngại cho cả Mỹ và E.U. trong các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Trong khi đó, sự thận trọng của Tổng thống Biden khi không để Ukraine có lợi thế quân sự quá lớn, với lo ngại leo thang xung đột, càng củng cố ấn tượng rằng sự hỗ trợ của Mỹ chưa hoàn toàn tuyệt đối. Trung Quốc và Thủ tướng Israel Netanyahu có lẽ cũng đã cân nhắc điều này khi tiếp tục mở rộng các hành động của mình.

Cũng có những lo ngại về môi trường. Mặc dù sự nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng tại châu Âu, nhưng dầu và khí đốt rẻ mà Nga cung cấp cho Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ lại làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước này.

Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu, đứng đầu là Đức, đang tăng cường sử dụng năng lượng từ than đá vì lý do an ninh năng lượng, thay thế khí đốt tự nhiên bằng nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất.

Nhưng Ukraine vẫn là quốc gia phải gánh chịu hậu quả lớn nhất từ sự suy yếu ý chí cô lập Nga. Với mùa đông chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, hầu hết hệ thống năng lượng của Ukraine đã bị phá hủy, điều này khiến nhiều người có thể thiệt mạng trong mùa đông này vì lạnh, đói hoặc không thể điều trị y tế.

Việc không ngăn chặn được Nga tiếp tục chiến dịch tại Ukraine đang gây ra những hậu quả thực sự và bi thảm. Tuy vẫn còn cơ hội để kiềm chế Nga và cô lập hoàn toàn nước này khỏi các thị trường năng lượng toàn cầu, nhưng hiện chưa có dấu hiệu cho thấy quyết tâm chính trị sẽ thay đổi.

Dũng Phan (Theo Time)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-van-phu-thuoc-vao-nang-luong-cua-nga-kem-theo-nhung-nguy-co-tiem-an-post317674.html