Thế hệ Bách khoa tiếp bước mang tinh thần 'hoa lửa' vào thời đại mới

Chiều tối 14-12, Trường Đại học Bách Khoa (ĐHBK) Hà Nội tổ chức gặp mặt toàn thể các thế hệ thầy trò ĐHBK Hà Nội đã từng xếp bút nghiên tham gia nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, qua chương trình Lễ kỷ niệm – tri ân, với chủ đề: Bách Khoa – Một thời hoa lửa.

Đây là dịp để các thế hệ thầy trò ĐHBK Hà Nội có dịp ôn lại những ký ức hào hùng, đáng tự hào, tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc; kết nối toàn thể các cựu sinh viên - cựu chiến binh cùng thế hệ để có thể kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn vất vả cũng như chúc mừng những thành công của các đồng đội.

 Các thế hệ thầy trò ĐHBK Hà Nội chụp ảnh lưu niệm.

Các thế hệ thầy trò ĐHBK Hà Nội chụp ảnh lưu niệm.

Trong những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Đất nước, bao thế hệ thầy và trò Trường ĐHBK Hà Nội cùng với hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.

Những người lính xuất phát từ trường ĐHBK Hà Nội, đã có mặt trên khắp các chiến trường: A, B, C (kể cả K và BG phía Bắc); trong các quân binh chủng: Bộ binh, Pháo binh, Cao xạ, Tên lửa, Xe tăng, Hải quân, Không quân, Công binh..., góp phần làm nên những trận thắng oanh liệt trên khắp các chiến trường, cùng quân dân cả nước thống nhất nước nhà năm 1975.

Có nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng vì tổ quốc... trong đó có 6 đồng chí được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lương vũ trang: Anh hùng Bùi Ngọc Dương, Anh hùng Trần Thanh Hải, Anh hùng Vũ Xuân Thiều, Anh hùng Nguyễn Văn Lung, Anh hùng Đào Duy Cảnh và Anh hùng Trần Thị Kim Cúc (đang sống tại Hải Châu, Đà Nẵng).

Sau ngày thống nhất, những người lính lại trở về giảng đường, thầy giáo thì tiếp tục giảng dạy, sinh viên thì tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật chiến tranh, di chứng của những trận sốt rét rừng. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn. Một số người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

 Các đại biểu làm lễ trước Tượng đài “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” .

Các đại biểu làm lễ trước Tượng đài “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” .

Tại buổi gặp mặt, các vị khách mời đã chia sẻ giây phút rời mái trường lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; những động lực để người lính thời đó lại luôn lạc quan, yêu đời, sẵn sàng hi sinh. Bên cạnh việc tham gia chiến đấu trực tiếp, thầy và trò trường ĐHBK Hà Nội còn tham gia kháng chiến bằng chính những kiến thức, kinh nghiệm và lòng quyết tâm của mình thông qua các đề tài khoa học phục vụ chiến đấu...

Đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường phát biểu tại buổi lễ, PGS Huỳnh Quyết Thắng, Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường ĐHBK Hà Nội bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc và tri ân công lao to lớn các anh hùng liệt sĩ nguyên là giảng viên, sinh viên trường ĐHBK Hà Nội đã lên đường đi chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Cho đến ngày hôm nay, Tượng đài “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc” sẽ mãi là lời nhắc và lời nhắn gửi khiêm nhường tới các anh, tới chúng tôi và tới các thế hệ sinh viên về trách nhiệm bảo vệ tự do và độc lập non sông, PGS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Nhắn nhủ tới hơn 100 sinh viên Bách Khoa, đại diện cho toàn bộ sinh viên nhà trường có mặt tại buổi lễ, PGS Huỳnh Quyết Thắng mong muốn các em sinh viên có thể tiếp thu được truyền thống "hoa lửa", để mang vào thời đại hiện nay. “Chúng ta đang rất cần một tinh thần quyết liệt, dấn thân, thần tốc để xứng đáng với thế hệ cha, anh. Thế hệ hiện nay của các em cần tiếp bước để mang tinh thần "hoa lửa" vào thời đại mới, thời đại chuyển đổi số, đại học số, xã hội số, với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật công nghệ”, Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội khẳng định.

Tin, ảnh: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/the-he-bach-khoa-tiep-buoc-mang-tinh-than-hoa-lua-vao-thoi-dai-moi-646546