'Thế hệ thua cuộc' thất nghiệp, ăn bám cha mẹ già ở Nhật
Không thể vượt qua kỳ tuyển dụng căng thẳng, nhiều người bị tụt lại phía sau, trở thành 'thế hệ thua cuộc' trong xã hội Nhật Bản.
Zing trích dịch bài đăng trên Bloomberg đề cập đến câu chuyện của những người thuộc thế hệ thua cuộc ở Nhật Bản. Vì không tìm được việc làm trong những năm 2000, ở độ tuổi 40, 50, họ vẫn thất nghiệp, thường sống ẩn dật trong căn hộ của cha mẹ già.
“Cửa chỉ mở một lần” là cách mọi người mô tả hệ thống tuyển dụng lao động của Nhật Bản. Đây được xem là cơ hội tốt nhất để giành lấy một vị trí tốt trong các công ty, tập đoàn lớn ở xứ Phù Tang.
Những người lọt qua kỳ tuyển dụng khó khăn này sẽ được đảm bảo một công việc gần như đến hết đời, có thể liên tục thăng tiến. Số còn lại phải lăn lộn từ nơi này sang nơi khác với mức lương khiêm tốn.
Đã một thập kỷ kể từ khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản sụp đổ. Từ năm 2000, các nhà tuyển dụng giảm đáng kể số lượng nhân công thuê mới để bảo vệ những người lao động lớn tuổi. Thị trường lao động Nhật Bản chính thức bước vào “kỷ băng hà”.
Kéo theo đó, một “thế hệ thua cuộc” xuất hiện ở xứ sở mặt trời mọc. Đó là những người độc thân, không con cái và cũng không có việc làm. Điều tra dân số năm 2015 của Nhật Bản cho thấy 3,4 triệu người ở độ tuổi 40 và 50 chưa kết hôn và phải sống cùng cha mẹ.
Bom hẹn giờ
Khái niệm “thế hệ thua cuộc” được nhắc đến nhiều hơn sau một vụ tấn công bằng dao khiến 2 người chết và 18 người bị thương, xảy ra tại một trạm xe buýt ở Kawasaki vào tháng 5/2019.
Hung thủ là một người đàn ông khoảng 50 tuổi, đã mất việc làm trong nhiều năm và sống với người thân. Đó là một hikikomori điển hình - thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả những người sống khép kín với xã hội, không bước chân ra khỏi nhà trong nhiều năm.
Vụ tấn công tàn bạo này khiến hàng trăm nghìn hikikomori ở độ tuổi trung niên bị xem là mối nguy của xã hội. Kono, một người đàn ông 45 tuổi thất nghiệp và không bao giờ rời khỏi nhà của cha mẹ mình ở Nara, cảm thấy bối rối khi nghĩ rằng xã hội Nhật Bản coi những người như anh là “bom hẹn giờ”.
Trước khi trở thành một kẻ ẩn dật, Kono từng có tương lai khá hứa hẹn. Cha của anh từng làm việc cho một công ty lớn. Điều kiện kinh tế gia đình khá giả. Bản thân Kono cũng thi đỗ vào ĐH Kyoto, trường đại học lâu đời thứ hai của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Kono luôn cô độc vì thiếu các kỹ năng xã hội. Chểnh mảng việc học cũng khiến Kono tốn 8 năm vẫn chưa hoàn thành đủ các loại tín chỉ.
Khi anh vừa kết thúc việc học và trở lại con đường tìm việc cũng là lúc thị trường lao động Nhật Bản bước vào “kỷ băng hà”. “Tôi đã nghĩ rằng dù có cố gắng cũng vô ích”.
Kono trốn ở nhà bố mẹ đẻ. Với anh, ngày cũng như tháng, tháng cũng như năm.
Trước khi vỡ nợ, người đàn ông 40 tuổi sống bằng thẻ tín dụng. Còn giờ đây, anh và gia đình sống bằng tiền trợ cấp của bố Kono. “Tôi đã tự đào hố chôn mình. Tôi trốn tránh thực tế. Cuộc sống bị trật khỏi đường ray”, anh nói.
“Công ty hy vọng chúng tôi bỏ việc khi kết hôn”
Về lý thuyết, Yu Takekawa là hiện thân của người phụ nữ hiện đại ở Nhật Bản, nghĩa là có bằng thạc sĩ, làm việc toàn thời gian tại 4 công ty và đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết.
Nhưng trên thực tế, người phụ nữ này đã mất việc từ tháng 3 và đang sống nhờ tiền trợ cấp thất nghiệp và tiết kiệm. Cô thường xuyên bỏ bữa tối để tiết kiệm tiền. Cô không thể nhớ lần cuối cùng mình đi nghỉ là khi nào.
Điều duy nhất an ủi Takekawa là đại dịch đã cho cô cơ hội ngồi sáng tác cuốn sách thứ 3 - thứ sẽ mang lại một khoản tiền khiêm tốn. “Nếu không có cuốn tiểu thuyết, tôi thực sự nghĩ rằng cuộc đời mình đã rơi xuống vực. Công cuộc săn việc của tôi chẳng đi đến đâu”.
Giống như nhiều người trong thế hệ của mình, Takekawa phải vật lộn để tìm chỗ đứng trong thế giới việc làm. Cô theo học Đại học Rikkyo, một trường nghệ thuật tự do được đánh giá cao ở Tokyo, và bắt đầu tìm việc khi vẫn còn là học sinh trung học.
Một đạo luật nhằm đảm bảo cơ hội việc làm bình đẳng cho phụ nữ đã được ban hành trong gần hai thập kỷ, nhưng những quan niệm, quy tắc cũ vẫn tồn tại. Trong các cuộc phỏng vấn nhóm, nhà tuyển dụng thường chỉ đặt câu hỏi cho ứng viên nam và quay sang dò xét phụ nữ. “Tôi cảm thấy phụ nữ thậm chí còn không được coi trọng”.
Hoàn thành chương trình học, Takekawa cuối cùng cũng có công việc toàn thời gian tại một công ty xây dựng lớn ở Tokyo. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra vị trí này chỉ được trả 30% lương so với đồng nghiệp nam.
Công ty cũng chỉ tuyển phụ nữ độc thân vẫn sống cùng cha mẹ để làm công việc đó. “Họ hy vọng chúng tôi sẽ bỏ việc một khi kết hôn”.
Gần 3 năm sau, Takekawa bỏ việc. Hơn một thập kỷ tiếp theo cô vừa vật lộn với chứng trầm cảm, vừa liên tục nhảy việc.
Bị 200 công ty từ chối
Junko, 44 tuổi, học vẽ tại một trường đại học hai năm với mong muốn trở thành họa sĩ truyện tranh. Tuy nhiên, “kỷ băng hà” khiến cô trở thành một nhân viên part-time ở cửa hàng tạp hóa.
“Những người lớn tuổi hơn chúng tôi một chút có thể dễ dàng tìm được việc làm. Nhưng tôi và bạn bè có thể đã thất bại sau khi thử sức với khoảng 200 công ty”, cô nói.
Khi cửa hàng đóng cửa, Junko lại trở về vẽ manga, nhưng biết rằng mình không thể kiếm sống từ sở thích này. Trong suốt một thập kỷ, cô đã làm hàng loạt công việc văn thư. Tất cả đều được trả lương thấp và ít được đào tạo, không có triển vọng thăng tiến. Đôi khi, Junko bỏ việc chỉ sau một tháng.
Khi bước sang tuổi 30, cô càng thu mình hơn. “Tôi không muốn giao tiếp với mọi người nữa. Tôi không nói chuyện với ai khác ngoài gia đình và cũng không muốn nghĩ về hoàn cảnh của mình”.
Lo lắng cho tình trạng của con gái, mẹ Junko đã liên lạc với hội đồng địa phương để nhờ người đến tư vấn. Junko nhớ lại cuộc gặp đầu tiên với người tư vấn cách đây 4 năm và thừa nhận rằng viễn cảnh thảo luận về cuộc sống và lựa chọn nghề nghiệp với một người lạ không hề thú vị.
Tuy nhiên, cô đã rất ngạc nhiên khi người tư vấn đề nghị cô vẽ manga cho các tập sách nhỏ mà hội đồng phân phối. Junko đã cố giữ vẻ mặt lạnh lùng nhưng trong đầu lại nghĩ: "Có vẻ khá hay ho”.
Manga có lẽ là cách giao tiếp duy nhất của Junko với mọi người và đội tư vấn đã hiểu được điều đó. Junko được hướng dẫn đăng ký tham gia một chương trình giúp hikikomori học kỹ năng xã hội bằng các hoạt động như làm vườn, âm nhạc, thể thao và tình nguyện.
Cô cũng tham gia một lớp học thiết kế tờ rơi quảng cáo trên máy tính. Những điều này đã giúp Junko lấy lại sự tự tin từng chút một. “Tôi được dạy rằng mình không cần phải quá sợ mọi người”.