Thế hệ trẻ góp sức xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại

Chiều 14/10, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đối thoại với thanh niên Thủ đô năm 2024 với chủ đề 'Thanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại'.

Tại hội nghị đối thoại năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trao đổi, thông tin, giải đáp các nhóm vấn đề: "Hà Nội xanh" với các nội dung, giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp; ứng dụng năng lượng xanh và quy hoạch vùng đô thị.

 Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Viết Thành

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Viết Thành

Nhóm vấn đề "Hà Nội văn hiến" với các nội dung, giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của Thủ đô.

Nhóm vấn đề "Hà Nội văn minh, hiện đại" gồm các ý kiến đề xuất, hiến kế của đoàn viên, thanh niên trong các lĩnh vực xây dựng công dân số, chính quyền số, xã hội số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế thu hút nhân tài, và ứng dụng khoa học công nghệ trong “kỷ nguyên số”...

Bước vào phần đối thoại, về chủ trương, giải pháp gì góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô do đoàn viên Phạm Thu Phương (quận Ba Đình) đặt ra, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, giải pháp đã được các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều năm nay, góp phần thực hiện mục tiêu Hà Nội là thành phố “khỏe mạnh, đáng sống”.

Cụ thể, thành phố đang triển khai quản lý chất lượng không khí; xử lý ô nhiễm hồ nước, sông ngòi; phân loại rác tại nguồn; phát triển năng lượng tái tạo…

“Cơ bản đến năm 2025, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố sẽ được đốt phát điện”, ông Lê Thanh Nam nói.

Về kiến nghị tiếp tục nhân rộng mô hình bảng quảng cáo, rao vặt tập trung, đồng thời “hiến kế” xây dựng "góc quảng cáo, rao vặt trực tuyến" thí điểm tại các trang thông tin điện tử của các quận, huyện của bạn Hà Trần Trung (quận Bắc Từ Liêm), Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhận định, đây là một trong những giải pháp tốt để giảm quảng cáo, rao vặt làm mất mỹ quan đô thị.

Liên quan đến việc xây dựng ô trữ sinh học để thu nước mưa do bạn Nguyễn Duy Khánh (huyện Gia Lâm) đặt ra, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho rằng, đây là giải pháp giải quyết được nhiều vấn đề, mang lại lợi ích cụ thể như điều hòa, tái sử dụng nguồn nước, giải quyết nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ngập lụt…

Về việc đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô do bạn Đinh Công Thành (quận Cầu Giấy) đặt câu hỏi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, vừa qua Sở đã phối hợp biên soạn cuốn sách “Hà Nội học”, tổ chức tập huấn cho giáo viên.

Thời gian tới, ngành giáo dục Thủ đô sẽ nghiên cứu, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời chuẩn bị điều kiện tốt nhất để sớm đưa chương trình “Hà Nội học” vào đào tạo trong các cấp học.

Trả lời câu hỏi của bạn Trần Kim Huyền (quận Hoàn Kiếm) về tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ đối với nhân lực chất lượng cao, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, thành phố luôn quan tâm thu hút nhân tài vào làm việc với nhiều cơ chế, chính sách, tuy nhiên còn khó khăn do vướng chỉ tiêu biên chế, chính sách tiền lương nên chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Ông Trần Đình Cảnh cho biết, sau khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025, Hà Nội sẽ có điều kiện áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và có sự chủ động trong công tác tuyển dụng, bảo đảm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong khu vực công.

 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với thanh niên Thủ đô. Ảnh: Viết Thành

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với thanh niên Thủ đô. Ảnh: Viết Thành

Phát biểu kết luận chương trình đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao đóng góp của đoàn viên, thành niên Hà Nội trong các công việc thường xuyên và đột xuất của thành phố thời gian qua bằng những công việc, việc làm cụ thể.

Tiếp thu các ý kiến, đề xuất của thanh niên Thủ đô trong xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại nhằm hiện thực hóa “khát vọng Thủ đô và hành động Hà Nội”, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định, chương trình đối thoại là một cơ hội, một diễn đàn để thanh niên Thủ đô đóng góp, gửi gắm những kỳ vọng phát triển đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng.

Tất cả ý kiến của các bạn hôm nay đều có giá trị để thành phố nghiên cứu, chắt lọc, đưa vào xây dựng và triển khai chính sách phát triển Thủ đô. Thành đoàn Hà Nội cần tổ chức cho thanh niên có nhiều cơ hội hơn tham gia xây dựng chính sách - Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.

Nhấn mạnh Luật Thủ đô vừa được Quốc hội khóa XV thông qua là luật rất quan trọng, liên quan đến công cuộc phát triển xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, thông minh của Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn đoàn viên, thanh niên dành thời gian tìm hiểu nhằm góp phần thực thi, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương dành cho thành phố.

Nhấn mạnh định hướng phát triển Thủ đô mà chủ thể, trung tâm là người dân Thủ đô, tất cả vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ, thanh niên Thủ đô thực sự phải tham gia gánh vác trọng trách xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-he-tre-gop-suc-xay-dung-thu-do-xanh-van-hien-van-minh-hien-dai-post316794.html