Thế hệ trẻ ngành Kiểm sát nhân dân tiếp bước những trang sử vẻ vang

Thấm thoắt đã hơn bảy thập kỉ trôi qua, kể từ ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: '... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy'. Lời tuyên ngôn ấy đến nay vẫn như vang vọng khắp không gian, khắc ghi sâu đậm trong tim mỗi người dân Việt Nam.

Sinh viên Trường Đại học Kiểm sát nguyện dùng trí tuệ và sức trẻ để tiếp bước cha anh.

Sinh viên Trường Đại học Kiểm sát nguyện dùng trí tuệ và sức trẻ để tiếp bước cha anh.

Nguyễn Vũ Minh (Sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội):

Động lực trong học tập và rèn luyện

“Trong hối hả của những ngày cuối tháng Tám, cùng khung cảnh rợp bóng cờ, hoa chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu (Tố Hữu, Vui Bất Tuyệt, Hà Nội, 1946) như khiến chúng ta nhớ hơn về mùa Thu độc lập đầu tiên của nước nhà:

“Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử

Ðêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi

Ta đi đây, với thế kỷ hai mươi

Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch!”

Dù đã 75 năm trôi qua, nhưng cứ mỗi độ tháng Tám, những người con đất Việt lại bồi hồi nhắc nhớ cho nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình cùng những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong mỗi người dân Việt Nam dù là những người từng trải qua binh lửa, biến cố thăng trầm hay là lớp trẻ được sinh ra trong hòa bình thì mỗi khi nhắc về những ngày, tháng lịch sử của dân tộc đều có chung một niềm tự hào, xúc động khó tả. Với riêng tôi, là một sinh viên Kiểm sát, dù chỉ được biết về lịch sử hào hùng của dân tộc qua những trang sách, những bài thơ hay những câu chuyện được kể lại, nhưng cũng không khỏi bồi hồi, rạo rực trước ngày kỉ niệm lịch sử trọng đại của đất nước.

Được sinh ra, sống và học tập trong thời bình đối với tôi là một điều vô cùng may mắn. Bởi lẽ, tôi hiểu rằng để có được nền độc lập, hòa bình như ngày hôm nay chúng ta phải đánh đổi bằng rất nhiều sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước, để có được mỗi tấc đất trên dải đất hình chữ S tươi đẹp này đều phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của lớp lớp đồng bào. Dù mất mát, đau thương là vậy, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn luôn giữ vững tinh thần đấu tranh quật cường, bất khuất như chính tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Quảng trường Ba Đình lịch sử cách đây 75 năm: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” (Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hà Nội, 1945).

Sinh viên Nguyễn Vũ Minh (ngoài cùng bên trái).

Sinh viên Nguyễn Vũ Minh (ngoài cùng bên trái).

Là thế hệ trẻ của ngành Kiểm sát nói chung và đặc biệt là sinh viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nói riêng, tôi luôn tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự lãnh đạo của Đảng, đã đưa cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Đồng thời, đây cũng là nguồn động lực to lớn để mỗi sinh viên như tôi cố gắng hơn trong học tập và rèn luyện.

Bản thân tôi luôn quan niệm rằng, việc ra sức phấn đấu xây dựng đất nước không chỉ đơn thuần sự biết ơn đối với công lao của các thế hệ cha anh đi trước mà còn là cách để thế hệ trẻ bày tỏ tình yêu quê hương đất nước, là cách để tiếp nối các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời đại mới.

Đặc biệt, là lớp trẻ của ngành Kiểm sát, tôi ý thức được rằng luôn phải nâng cao năng lực chuyên môn, tu dưỡng đạo đức bản thân để có thể tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử hào hùng cho quê hương, Tổ quốc. Khẳng định hình ảnh và vị trí lớn mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế và để xứng đáng với mười chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Cho đến ngày nay, vẫn có ngoại bang lăm le thôn tính, nuôi ý đồ xâm lược đất nước ta, nhưng toàn thể dân tộc ta vẫn vững vàng trước bao thử thách khắc nghiệt, vẫn hiên ngang trên trường quốc tế bởi đã có lớp trẻ nhiệt huyết, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn non sông, đất nước. Niềm tự hào về những ngày tháng Tám lịch sử vẫn luôn còn mãi.

Trần Ngọc Thảo (Sinh viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội):

Xúc động mỗi khi mùa Thu Cách mạng về

“Trong những ngày mùa thu lịch sử, những người con đất Việt vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ về nguồn cội dân tộc, giá trị của hòa bình cùng lịch sử hào hùng của đất nước ta qua biết bao thế kỉ. Trong số tất cả người con đất Việt ngày hôm nay đang nhìn thấy sự vươn lên không biết mệt mỏi của dân tộc, thì có biết bao người suốt 75 năm qua vẫn lưu giữ nguyên vẹn những kỷ niệm về ngày Tết độc lập đầu tiên, và cũng có rất nhiều người trẻ được sinh ra trong hòa bình, chưa từng biết đến chiến tranh nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào, xúc động mỗi khi mùa Thu Cách mạng lại về. Cứ mỗi mùa Thu tháng Tám, khi trên khắp các ngả đường rợp bóng cờ hoa chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, lòng tôi lại trào dâng sự xúc động, tự hào về hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng.

Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, khi đất nước ta đã nối liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà, những kí ức đau thương về một thời chiến tranh khốc liệt, tang thương đã qua, tất cả chỉ còn lại qua những lời kể trong kí ức của ông bà, cha mẹ, đọng lại trong những thước phim lịch sử trắng đen đầy cảm xúc. Ngày nay, được sống trong một đất nước hòa bình, được học, được thể hiện khả năng và được theo đuổi đam mê của mình, đó là một điều may mắn và hạnh phúc đối với mỗi người trẻ.

Sinh viên Trần Ngọc Thảo.

Sinh viên Trần Ngọc Thảo.

Cách mạng tháng Tám là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là biểu tượng sức mạnh tổng hợp toàn dân vì mục tiêu độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, dân tộc Việt Nam đã lật đổ chính quyền thực dân - phong kiến, nhấn chìm bè lũ cướp nước, bán nước, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ xuất hiện trên bản đồ thế giới với tư cách là một nước tự do và độc lập; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, đã trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Thấm thoắt đã hơn bảy thập kỉ trôi qua, kể từ ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời tuyên ngôn ấy đến nay vẫn như vang vọng khắp không gian, khắc ghi sâu đậm trong tim mỗi người dân Việt Nam.

Là người Việt Nam, tôi luôn nỗ lực không ngừng cho tình yêu và lý tưởng của những thế hệ anh hùng đã hi sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, cho sự thống nhất, vẹn toàn của non sông, đất nước. Là thế hệ trẻ ngành Kiểm sát nhân dân, tôi hiểu rõ được những giá trị của bản thân để quyết định tương lai của mình, dùng trí tuệ và sức trẻ để tiếp bước cha anh, góp phần nhỏ bé đưa ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng lớn mạnh, khẳng định được uy tín và vị thế của một thiết chế Hiến định độc lập trong bộ máy nhà nước Việt Nam, vững vàng bước đi trên con đường thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta ngày nay phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cùng với truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng cho Tổ quốc, tiếp tục khẳng định khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam”.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/the-he-tre-nganh-kiem-sat-nhan-dan-tiep-buoc-nhung-trang-su-ve-vang-93847.html