'Thế lưỡng nan' của Mỹ khi cung cấp vũ khí cho Ukraine

Các gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đã giảm trong những tháng gần đây vì Washington cần duy trì kho dự trữ vũ khí và thiết bị cho nhu cầu nội địa.

Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh giới chức Mỹ lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội sẽ bị ảnh hưởng khi các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đang phải chạy theo nhu cầu khổng lồ do cuộc chiến tại Ukraine tạo ra mà bỏ qua nhu cầu trong nước.

Sự thiếu hụt vũ khí và thiết bị này có nghĩa là chính quyền Mỹ vẫn còn 6 tỷ USD tiền quỹ để trang bị vũ khí cho Ukraine, nhưng Lầu Năm Góc không có đủ kho dự trữ cho nhu cầu trong nước sau hơn hai năm chiến tranh.

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết: "Vấn đề là về kho dự trữ mà chúng ta có trên kệ, những gì (người Ukraine) đang yêu cầu và liệu chúng ta có thể đáp ứng những yêu cầu đó bằng những gì chúng ta đang có mà không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội (Mỹ) hay không”.

Theo thiếu tướng Pat Ryder - Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc thì Bộ quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Quốc hội gia hạn thêm thời gian để chi số tiền đó trước khi hết hạn vào cuối tháng 9. Đây là sự đảo ngược hoàn toàn so với mùa đông năm ngoái, khi chính quyền yêu cầu các nhà lập pháp cấp thêm kinh phí để hỗ trợ Ukraine chống lại Nga trong cuộc chiến.

Lính Ukraine trên chiến trường

Lính Ukraine trên chiến trường

"Việc bổ sung cũng là một vấn đề" - vị quan chức này cho biết. Hiện Mỹ đang tăng cường sản xuất các mặt hàng chính, chẳng hạn như đạn 155 mm và hệ thống tên lửa Patriot để cung cấp cho Ukraine và để bổ sung kho dự trữ của Mỹ. Nhưng đây là một quá trình kéo dài nhiều năm và sẽ không nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu tăng cao từ Ukraine.

Trước chiến tranh ở Ukraine, Mỹ sản xuất khoảng 15.000 quả đạn pháo 155 mm mỗi tháng. Với các nhà máy và dây chuyền sản xuất mới mở cửa, Mỹ hiện đang sản xuất 40.000 quả đạn mỗi tháng. Nhưng Lầu Năm Góc vẫn sẽ mất hơn một năm để đạt được mục tiêu 100.000 quả đạn mỗi tháng. Quá trình tăng cường sản xuất đang diễn ra đúng tiến độ, nhưng quá trình này sẽ mất nhiều năm, đòi hỏi phải có các cơ sở mới, mở rộng nhà máy và tùy thuộc vào việc quốc hội sẵn sàng phân bổ tiền.

Theo Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky, Ukraine đang cảm nhận được tác động của tình trạng thiếu hụt hàng dự trữ. Trong cuộc họp của nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Đức vào tháng này, Zelensky đã nói với Mỹ và các đồng minh khác rằng việc giao các hệ thống phòng không đã hứa đang diễn ra quá chậm và cảnh báo về sự thiếu hụt "đáng kể" trong các yêu cầu viện trợ quan trọng.

Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cam kết sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và công bố một gói viện trợ mới trị giá 250 triệu USD tại cuộc họp ở Đức vào tháng này. Austin thừa nhận tại cuộc họp rằng Mỹ đang nỗ lực tăng cường sản xuất và “tăng tốc độ giao hàng” cho Ukraine.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/the-luong-nan-cua-my-khi-cung-cap-vu-khi-cho-ukraine_167414.html