Thế mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ
Nhờ chú trọng phát triển nghề rừng, đặc biệt là công tác trồng rừng và kinh doanh rừng trồng nên hằng năm toàn tỉnh trồng khoảng 7.000 đến 8.000 ha rừng trồng sản xuất và nâng cao chất lượng, giá trị của rừng. Mặt khác nhiều hộ dân, hợp tác xã, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung có diện tích lớn để liên doanh, liên kết, đầu tư cơ sở hạ tầng lâm sinh, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và tiến tới cấp chứng chỉ rừng nhằm nâng cao giá trị rừng trồng cũng như hạn chế thiệt hại do các điều kiện thời tiết cực đoan gây ra. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến (CNCB) gỗ phát triển với nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng đã tạo động lực, thu hút đầu tư để phát triển các dự án trồng rừng cung cấp nguyên liệu. Qua đó, góp phần ổn định đời sống cho người dân làm nghề rừng, hạn chế phá rừng tự nhiên, tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.
Với nguồn tài nguyên dồi dào về gỗ rừng trồng, những năm trở lại đây, ngành CNCB gỗ của tỉnh phát triển mạnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, đặc biệt là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty Cổ phần Gỗ MDF-VRG Quảng Trị với công suất thiết kế là 120.000 m 3 sản phẩm/năm và công nghệ hiện đại đã nâng năng lực chế biến gỗ MDF của Quảng Trị lên 180.000 m3 . Bên cạnh sản phẩm gỗ MDF, hằng năm Quảng Trị còn sản xuất và cung cấp cho các tỉnh và phục vụ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gỗ ván ghép thanh, trên 600.000 tấn bào gỗ, gỗ dăm và viên nén năng lượng đưa Quảng Trị vào nhóm đứng đầu của cả nước về sản xuất gỗ và tỉnh có nguồn gỗ nguyên liệu phong phú trong khu vực.
Mặc dù đã có tốc độ tăng trưởng khá trong thời gian qua nhưng nhìn chung ngành chế biến gỗ Quảng Trị vẫn đang ở trình độ thấp. Đa phần các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chế biến mức trung bình; trình độ nguồn nhân lực, chất lượng lao động, năng suất lao động thấp; thị trường xuất khẩu hạn chế, thị trường trong nước thiếu tính bền vững nên đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của ngành chế biến gỗ Quảng Trị. Vì vậy, để thúc đẩy ngành chế gỗ phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành chế biến gỗ trong thời gian đến, đưa ngành gỗ trở thành ngành sản xuất chủ yếu, tỉnh Quảng Trị tập trung chỉ đạo, thực hiện các định hướng phát triển ngành CNCB gỗ trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng và tạo ra sự phát triển mới.
Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành CNCB gỗ, trong đó chú trọng thu hút các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển CNCB gỗ và lâm sản vào tỉnh, huy động mọi nguồn vốn đảm bảo cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ ổn định, đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tập trung xây dựng và cấp chứng chỉ rừng (FSC) cho diện tích rừng đang có kết hợp phát triển rừng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Mỹ. Phát triển CNCB gỗ của tỉnh phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng. Tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn sau năm 2025. Xây dựng và mở rộng các cụm công nghiệp chế biến lâm sản ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế.
Giải pháp phát triển ngành CNCB gỗ Quảng Trị đó là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công thương, trong đó nâng cao năng lực sản xuất ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường lành mạnh, an toàn, minh bạch cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất chế biến gỗ hiện có, từng bước chuyển đổi mặt hàng phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển ngành và xu hướng thị trường ngành gỗ, đặc biệt là thị trường EU sau khi Việt Nam và EU ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp (VPA/FLEGT). Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch ngành chế biến, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành CNCB gỗ. Đồng thời, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển CNCB gỗ phù hợp với yêu cầu của thị trường, ưu tiên thực hiện công tác rà soát bổ sung quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác gỗ tăng 10-15%/năm giai đoạn từ 2017-2025. Chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành CNCB gỗ. Phối hợp Bộ Công thương và các bộ, ngành nhằm tiếp cận, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; tổ chức các hội thảo, mở các lớp tập huấn về xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm từ gỗ. Từng bước phát triển hình thức thương mại điện tử trong giao dịch sản phẩm CNCB gỗ; tiếp tục hoàn thiện sàn giao dịch điện tử đồ gỗ Quảng Trị đưa vào hoạt động hiệu quả. Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển Logistics tại tỉnh Quảng Trị phục vụ cho việc trung chuyển hàng hóa cho ngành sản xuất, chế biến gỗ đảm bảo sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển Logistics với quy hoạch phát triển các ngành và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.