Thể thao không chỉ có bóng đá

Đội tuyển U22 Việt Nam giành tấm HCV lịch sử sau 60 năm chờ đợi, tuyển bóng đá nữ bảo vệ thành công ngôi Hậu khi thắng kình địch Thái Lan ở chung kết. Một kỳ SEA Games bội thu của bóng đá, nhưng đừng quên các môn khác cũng đều để lại hình ảnh rất đẹp về ý chí chiến đấu kiên cường mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Những hình ảnh rơi nước mắt

Những giọt nước mắt vì hạnh phúc, và cả thất bại đã rơi ở đấu trường SEA Games. Nói như Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, mỗi tấm huy chương bất kể màu gì, cũng đều là sự nỗ lực, đánh đổi và hy sinh của VĐV. Còn những người thua cuộc, họ cũng đã để lại hình ảnh chiến đấu kiên cường đến phút cuối.

Đinh Thị Như Quỳnh là VĐV “mở hàng” HCV cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games, ở môn xe đạp băng đồng. Ngay khi về đích đầu tiên, Quỳnh đã bật khóc vì hạnh phúc, vì nhớ con. Suốt gần 1 năm trời, VĐV đội đua Bình Dương đã phải xa chồng con để tập huấn ở Tam Đảo. Nhớ con, Quỳnh chỉ biết khóc một mình chứ không dám gọi điện vì sợ con khóc theo.

Giọt nước mắt của Vương Thị Huyền ở môn cử tạ lại khiến nhiều người xúc động và thương cho cô. Chỉ vài ngày trước SEA Games, khi đang tập huấn ở Trung Quốc, Huyền nhận “tin dữ” ở quê nhà. Bố của Huyền bị cảm, đột ngột qua đời, khiến cô không kịp về chịu tang. Trước đó Vương Thị Huyền cũng mất đi người mẹ, cũng trong thời gian cô vắng nhà.

Mất cả bố lẫn mẹ, đô cử người Bắc Giang chỉ biết nén nỗi đau để dồn tâm sức cho mỗi lần đẩy tạ. Để rồi Huyền lần đầu tiên giành HCV SEA Games, đánh bại cả VĐV vừa vô địch thế giới người Indonesia.

Trên bục trao huy chương, Huyền đã bật khóc vì hạnh phúc, vì nhớ bố. VĐV sinh năm 1992 dành tấm HCV danh giá cho bố mẹ của mình, cô thốt lên: “Con đã thực hiện được lời hứa với bố mẹ”.

Ở giải đấu có tính cạnh tranh khốc liệt, vì màu cờ sắc áo như SEA Games, những hình ảnh rơi nước mắt như của Quỳnh, của Huyền không hiếm. Ở đường chạy marathon, sau khi về đích, Phạm Thị Hồng Lệ đã phải lên cáng cứu thương để cấp cứu. Lệ đã phải thở bằng bình oxy vì kiệt sức.

Những giọt nước mặt của Lệ đã rơi, và khi nằm hồi sức, cô vẫn không biết mình đã giành được huy chương. Lệ đã không bỏ cuộc và thi đấu đến những bước chân cuối cùng để về đích.

Ở nội dung 10km đi bộ nữ, Phạm Thị Thu Trang đã làm nên bất ngờ lớn. Nước mắt của cô gái 21 tuổi nhận “vé vớt” dự SEA Games không ngừng rơi. Trong giây phút chiến thắng, Trang nhớ về những ngày tháng cực khổ, khi bố làm thợ xây, mẹ làm phụ hồ, còn bản thân cô phải làm thêm bằng nghề xe ôm. Câu chuyện về tấm HCV của Thu Trang thực sự khiến nhiều người cảm động.

Cũng trên đường chạy, những Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, và đặc biệt là những VĐV ở cự ly dài, hầu hết đều ngã quỵ sau khi về đích. Trường hợp của Nguyễn Thị Huyền thật đáng khâm phục khi cô chỉ vừa sinh con...

Ở môn bóng đá nữ, để bảo vệ tấm HCV, các cô gái Việt Nam đã phải chiến đấu 120 phút nghẹt thở với Thái Lan. Đã có những VĐV phải đổ máu, hay kiệt sức liên tục bị chuột rút trên sân, nhưng vẫn đứng dậy chiến đấu kiên cường, để rồi được đền đáp xứng đáng.

Họ đã khóc trên đỉnh vinh quang sau những khổ luyện, đau đớn về thể xác, cho màu cờ sắc áo và vì cả hạnh phúc. Đó là những tấm gương vượt khó trong cả thể thao, nhưng chỉ đến khi bước lên đỉnh vinh quang mới được nhiều người biết đến.

Các môn Olympic thắng lớn

Có thể nói, trong lịch sử của thể thao Việt nam tham gia SEA Games chưa có lần nào thắng lợi toàn diện như lần này. Hầu hết các môn thể thao tham gia đều giành được kết quả tốt, số lượng huy chương lớn, vượt qua chỉ tiêu về vị trí và vượt cả Thái Lan.

Điều ấn tượng là Đoàn thể thao Việt Nam thắng lợi ở các môn Olympic và giành HCV 2 môn bóng đá, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử tham dự SEA Games của thể thao Việt Nam.

Nói về hai tấm HCV của bóng đá, có lẽ trong khuôn khổ một bài viết là chưa đủ. Còn với các môn thể thao khác, những lời khen ngợi cũng là chưa đủ, nhưng không phải ai cũng biết.

Hấp dẫn và gay cấn nhất có lẽ là điền kinh. Hai năm trước, điền kinh Việt Nam bất ngờ thi đấu thành công khi đem về 17 HCV, qua đó dẫn đầu môn thể thao "nữ hoàng". Hai năm sau, người Thái muốn đòi lại ngôi số một nhưng bất thành. Trước ngày thi đấu cuối cùng của môn điền kinh, Thái Lan có 11 HCV, trong khi con số này của Việt Nam là 10. Dù vậy, sự bứt phá ngày thi cuối với 6 HCV đã giúp điền kinh Việt Nam một lần nữa dẫn đầu, hơn Thái Lan 4 HCV. Trong đó, các VĐV Việt Nam thuộc tổ 400m thắng áp đảo khi giành 6 trong tổng số 7 HCV, cùng với đó là các cự ly 800m, 1.500m và 3.000m.

Ở môn cử tạ, với 4 HCV cử tạ Việt Nam xếp nhất toàn đoàn và vượt gấp đôi chỉ tiêu đề ra. Tại SEA Games 30, các đô cử Việt Nam có những khoảnh khắc đáng nhớ với nhiều lần nâng mức tạ ngoạn mục. Nỗ lực quyết tâm vượt qua nỗi đau mất người thân của Vương Thị Huyền hay cú đẩy quyết định của Phạm Thị Hồng Thanh đều để lại dấu ấn khó quên.

Ở môn vật, các đô vật Việt Nam khẳng định vị thế số một khu vực với 12 HCV trong tổng số 14 bộ huy chương được trao. Bắn cung Việt Nam cũng khép lại kỳ SEA Games thành công với 3 tấm HCV, đều đến từ cung 1 dây, nội dung thi đấu trong chương trình Olympic. Sự tỏa sáng của Lộc Thị Đào, cùng Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ, 2 cung thủ giành vé lịch sử cho bắn cung Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020, đã giúp đội tuyển bắn cung có một kỳ SEA Games thành công.

Bơi Việt Nam dù chỉ đứng thứ 2 toàn đoàn sau Singapore, vẫn hoàn thành chỉ tiêu đề ra với 10 HCV. Ánh Viên vẫn là đầu tàu với 6 HCV giành được, dù không đạt chỉ tiêu 8 HCV. Dù vậy, Nguyễn Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyên đã có màn thể hiện ấn tượng ở các nội dung của nam. Huy Hoàng phá 2 kỷ lục ở nội dung 400 m tự do và 1.500 m, trong khi kình ngư 16 tuổi Hưng Nguyên phá kỷ lục ở nội dung 400 m hỗn hợp.

Ở rất nhiều môn Olympic khác như thể dục dụng cụ, đấu kiếm, taekwondo, judo, xe đạp, bóng bàn… Việt Nam cũng đều có những chiến thắng ấn tượng. Sự toàn diện của thể thao Việt Nam còn thể hiện với HCV lịch sử ở môn quần vợt đơn nam và việc lần đầu tiên bóng rổ nam đã giành được huy chương tại đại hội.

Hướng tới Thế vận hội

Thể thao Việt Nam nhiều năm qua vẫn đứng giữa sự lựa chọn khó khăn là đầu tư cho VĐV ở các môn thể thao Olympic để vươn tới đỉnh cao tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới hay là tập trung lực lượng để duy trì thành tích tốp ba đoàn dẫn đầu SEA Games.

Tuy nhiên, từ thành công tại SEA Games vừa qua, ngành thể thao đã cho thấy cách đầu tư kiểu “2 trong 1”, tức là vừa tập trung cho mặt trận SEA Games, nhưng cũng là hướng tới những mục tiêu xa hơn là Asiad hay Olympic.

Từng nhiều năm phải dự Olympic bằng suất đặc cách, Việt Nam đã và đang có những VĐV vượt qua vòng đấu loại, giành huy chương ở đấu trường này, thậm chí là HCV, nhưng muốn thành công, các VĐV cần được đầu tư tập trung và có điều kiện tập luyện chuyên nghiệp, cọ xát quốc tế nhiều hơn.

Đây là vấn đề đã được những lãnh đạo ngành thể thao sớm rút ra ngay sau thành công ở SEA Games 30. Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Ngay cả 2 năm tới Việt Nam là chủ nhà của sân chơi SEA Games, nhưng chắc chắn không có chuyện đưa các môn thi đấu khu vực vào chương trình, mà chủ yếu là các môn thể thao Olympic. Theo hướng như vậy, không phải là từ bây giờ, mà nhiều năm trở lại đây, thể thao Việt Nam đã xây dựng được một lực lượng VĐV mạnh để sẵn sàng làm các nhiệm vụ quốc tế lớn như Asiad hay Olympic”.

An Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/the-thao/the-thao-khong-chi-co-bong-da-tintuc457161