Thêm 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch, 21.000 ống thuốc điều trị tay chân miệng về Việt Nam
Theo Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế, trong tuần này 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch điều trị bệnh tay chân miệng sẽ về Việt Nam; cùng đó 21.000 ông thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital đã được nhập khẩu. Các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương liên hệ với doanh nghiệp kinh doanh dược để kịp thời cung ứng các thuốc trên.
Nỗ lực cung ứng thuốc, dịch truyền điều trị tay chân miệng
Ngày 31/7, thông tin từ Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế với Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược và sự nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh dược, hiện nay thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã xác định được nguồn cung ứng đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh đang có diễn biến theo chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Liên quan đến các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, đối với dịch truyền Globulin miễn dịch, Cục Quản lý Dược cho biết, tiếp theo việc nhập khẩu 6.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch đã được Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu vào tháng 6/2023, dự kiến trong tuần này, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 sẽ nhập khẩu thêm 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch trên tổng số 15.000 chai đã được cấp phép nhập khẩu.
Hiện việc nhập khẩu đã sẵn sàng, chỉ phụ thuộc vào việc sắp xếp chuyến bay trong thời gian sớm nhất có thể.
Đối với thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital, Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 và hiện công ty đã nhập khẩu thuốc về Việt Nam với số lượng 21.000 ống.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương liên hệ với các doanh nghiệp kinh doanh dược để kịp thời cung ứng thuốc trên cho nhu cầu điều trị.
Việc xây dựng kế hoạch, dự trù và đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh lầ yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung về thuốc, do đó các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường trách nhiệm trong việc đảm bảo cung ứng thuốc, xây dựng nhu cầu thuốc trong thời gian tới, đặc biệt là các thuốc hiếm, không sẵn có, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp kinh doanh dược chủ động trong việc tìm kiếm nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc.
Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71
Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 34.847 trường hợp mắc tay chân miệng; 15 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (38.598/3) số mắc giảm 9,7%, tử vong tăng 12 trường hợp.
Thông tin với Sức khỏe & Đời sống, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Về bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
ThS Đỗ Thị Thúy Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TW cho hay, đối với trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên rất nhiều cha mẹ vẫn bối rối không biết chăm sóc cho trẻ tại nhà như thế nào để tránh tình trạng bệnh trở nặng.
Theo đó, chuyên gia của Bệnh viện Nhi TW nêu rõ, khi trẻ mắc tay chân miệng, gia đình nên cho trẻ cách ly ở nhà trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Đồng thời, gia đình cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, cũng như theo dõi sức khỏe của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.
- Nơi ở của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.
- Nếu trẻ sốt trên 38º5 độ, cha mẹ chườm ấm ở cổ, nách, bẹn kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần Paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần. Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục thì cha mẹ dùng Ibuprofen 5-10mg/kg/lần xen kẽ với Paracetamol (Ibuprofen cần uống theo chỉ định của bác sĩ). Để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm.
- Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (Oresol cần được pha đúng liều lượng in trên bao bì).
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng cần chú ý
Theo ThS Hậu, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ cần chú ý:
Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).
Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…
Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.