Thêm động lực để người lao động tham gia BHXH

Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm được đánh giá là 'một mũi tên trúng hai đích', đó là vừa mở rộng diện bao phủ của BHXH, lại vừa hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần. Tuy vậy, cũng cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 28/7/2023 phiên họp tháng 7/2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), theo đó cơ bản thống nhất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm

Trước đó, Dự án Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ đưa ra đề xuất đáng chú ý là giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Cơ quan soạn thảo nhận định, giảm năm đóng tạo điều kiện cho lao động tham gia hệ thống muộn hoặc đóng không liên tục, đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu, qua đó giúp diện bao phủ của BHXH tốt hơn.

Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.

Nếu vẫn giữ số năm đóng đủ là 20 năm thì rõ ràng, lực lượng tham gia BHXH sẽ bị hạn chế đáng kể. Nhiều trường hợp chưa tham gia BHXH sẽ ngần ngại và không tiếp cận được chính sách hưu trí. Bên cạnh đó, với một số người đang tham gia BHXH nếu cảm thấy khó theo đuổi và đáp ứng được điều kiện để hưởng lương hưu, họ dễ tính đến việc rút BHXH một lần, đây là điều mà cả bên tham gia lẫn cơ quan BHXH đều không mong muốn.

Chị Thu Tâm, người lao động tự do tại Đông Triều, Quảng Ninh cho biết, năm nay chị 40 tuổi, tham gia 20 năm thì phải đóng bảo hiểm tới 60 tuổi, tuy vậy nếu Luật rút ngắn thời gian đóng BHXH thì chị sẽ cân nhắc tham gia.

Có thể nói, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH sẽ là "một mũi tên trúng hai đích": Vừa mở rộng diện bao phủ của BHXH, lại vừa hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần. Nhiều chuyên gia cho rằng, với cách tiếp cận trên, chúng ta có thể nghiên cứu giảm xuống mức 10 năm hay thậm chí 5 năm để thu hút hơn nữa người tham gia BHXH. Tất nhiên, việc trả lương hưu cho người lao động cần được tính trên cơ sở đóng càng nhiều hưởng càng nhiều và thời gian đóng càng dài thì lợi ích được hưởng càng cao.

Tạo thuận lợi cho người lao động

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm tạo thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần.

Ông Quảng cho rằng, ngoài việc giảm năm đóng BHXH, sẽ cần nhiều chính sách khác đi kèm, hướng tới một hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt. Thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến người lao động để từ đó góp ý vào đề xuất chính sách BHXH một cách phù hợp. Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo chính sách BHXH đa dạng, hiện đại, hội nhập quốc tế và trên hết là đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh của người lao động.

Nhà nước cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Nhà nước cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng ý với việc rút ngắn thời gian đóng BHXH của người lao động. Một trong những nội dung thay đổi chính của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (ngoài 40 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục, khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Các trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu.

Việc giảm điều kiện đóng xuống 15 năm, nhiều người lao động sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Định kỳ, mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu, người tham gia sẽ được Quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, khi giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu bởi tiền lương hưu căn cứ vào mức đóng BHXH và thời gian đóng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại). Đây là điều cần hết sức cân nhắc, có thể điều chỉnh bằng việc nâng mức đóng vào Quỹ hưu trí.

Cần có chính sách đồng bộ

Để giải quyết tình trạng này, TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), góp ý bên cạnh sửa đổi Luật, cũng cần có chính sách đồng bộ như các gói hỗ trợ người lao động vay vốn, đào tạo lại để những công nhân lao động đã đủ năm đóng BHXH duy trì cuộc sống hiện tại, tiếp tục đóng BHXH hoặc có thể bảo lưu, đóng tiếp khi có điều kiện.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho hay: Người lao động đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu vào khoảng 3 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung hiện nay là thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Hy vọng trong thời gian tới, với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, quỹ BHXH sẽ sinh lời có thể bù để tăng lương hưu cho những người có mức lương hưu thấp hoặc có thể lấy số đông bù cho số ít".

Xung quanh đề xuất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu, nhiều ý kiến cho rằng mức hưởng thực tế sẽ rất thấp, do vậy chính sách nghiên cứu ban hành phải đảm bảo mức lương tối thiểu cho người lao động.

Theo ông Huân, thời gian đóng BHXH ngắn, mức đóng thấp thì mức lương hưu sẽ thấp. Nếu thấp quá không đủ sống. “Trước đây, chúng ta có quy định mức lương hưu thấp hơn lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh lên bằng mức lương tối thiểu. Thế nhưng bây giờ, quy định này đã bỏ rồi nên phải nghiên cứu để làm sao hỗ trợ người lao động có mức hưởng đảm bảo đời sống tối thiểu khi về hưu”, ông nói.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng nói thêm: mức lương hưu phụ thuộc vào 2 điều kiện thời gian đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian đóng ngắn khi đến tuổi nghỉ hưu, mức hưởng không cao, nhưng đó là mức lương hưu tối thiểu. Khi người tham gia BHXH đủ 15 năm nhưng đang còn tuổi lao động, sẽ khuyến khích họ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, tăng thời gian đóng để hưởng lương hưu cao hơn.

Ông Quảng cũng nhìn nhận, hiện nay, mức lương đóng BHXH ở nước ta cơ bản còn thấp. Mức lương hưu có sự phân hóa lớn, có người về hưu hưởng lương rất cao nhưng có người rất thấp, sự chia sẻ lương hưu chưa cao.

“Lương hưu ở các nước không có sự chênh lệch nhiều, vẫn theo nguyên tắc đóng cao hưởng cao, nhưng cơ bản khi về hưu, bộ trưởng với người lao động bình thường không chênh lệch nhiều. Trong khi ở nước ta lại có sự phân hóa lớn. Đây là bất cập chính sách cần phải quan tâm để điều chỉnh cho phù hợp hơn”, ông Quảng nói.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/them-dong-luc-de-nguoi-lao-dong-tham-gia-bhxh-1094266.html