Thêm giải pháp ổn định thị trường ngoại hối
Trong bối cảnh tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng chịu áp lực đi lên, đặc biệt trên thị trường phi chính thức, bất chấp nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có thêm động thái có thể giúp ổn định thị trường.
Linh hoạt hơn
Ngày 21-3-2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2021/TT-NHNN (Thông tư 02) ngày 31-3-2021 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối. Trong đó, NHNN muốn thay đổi cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa đô la Mỹ với tiền đồng trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi theo hướng linh hoạt hơn.
Thông tư 02, hiện vẫn còn hiệu lực, quy định ba cơ sở xác định tỷ giá giao dịch kỳ hạn là: 1) Tỷ giá giao ngay tại ngày giao dịch; 2) Chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố và lãi suất mục tiêu đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trường hợp lãi suất mục tiêu đô la Mỹ nằm trong khoảng biên độ thì áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong khoảng biên độ đó; 3) Kỳ hạn của giao dịch.
Còn theo dự thảo thông tư đang lấy ý kiến, nhà điều hành muốn sửa đổi điều khoản trên theo hướng rút gọn và linh hoạt hơn, cụ thể xác định “tỷ giá kỳ hạn giữa tiền đồng với đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận và phù hợp với quy định do NHNN Việt Nam ban hành trong từng thời kỳ”.
Lý giải cho sự thay đổi này, NHNN cho biết, thời gian qua và dự kiến thời gian tới, trước bối cảnh thay đổi nhanh chóng và khó lường của thị trường quốc tế, đặc biệt là lãi suất mục tiêu đô la Mỹ do Fed công bố, điều kiện thị trường, mặt bằng tỷ giá, chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế có những thay đổi nhanh chóng, khó lường. Trong một số giai đoạn (năm 2022), chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ bị thu hẹp (lãi suất tái cấp vốn tiền đồng giảm và lãi suất đô la Mỹ tăng) đã hạn chế dư địa cho thị trường xác định tỷ giá kỳ hạn đô la Mỹ/tiền đồng, có thể ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.
Việc quy định chi tiết những vấn đề liên quan đến hoạt động điều hành và dễ thay đổi theo diễn biến thị trường (như quy định mang tính chính sách về tỷ giá kỳ hạn, cơ sở xác định mức trần tỷ giá kỳ hạn) tại Thông tư 02 có thể làm hạn chế khả năng phản ứng của NHNN trước biến động thị trường. Chính vì vậy, nhằm duy trì sự linh hoạt, chủ động trong điều hành và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của thị trường, NHNN đã thực hiện rà soát, sửa đổi khoản 3, điều 5 Thông tư 02.
Tác động gì?
Một số ý kiến cho rằng đề xuất thay đổi của NHNN nhằm tạo cơ sở để cơ quan này có thể linh hoạt, chủ động hơn trong việc can thiệp thị trường ngoại tệ thông qua hoạt động mua, bán kỳ hạn đô la Mỹ với các ngân hàng; đồng thời thông qua giao dịch kỳ hạn ngoại tệ, NHNN cũng có thể tác động đến chênh lệch lãi suất tiền đồng – đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 02 là hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ trong nước giữa các TCTD được phép hoạt động ngoại hối với nhau và giữa TCTD được phép hoạt động ngoại hối với khách hàng. Còn giao dịch ngoại tệ giữa TCTD được phép hoạt động ngoại hối với NHNN được thực hiện theo quy định riêng của NHNN. Do đó, sự thay đổi nói trên khả năng tác động đến giao dịch giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với khách hàng là chính.
Đáng lưu ý, đề xuất sửa đổi này được đưa ra trong thời điểm tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn đang chịu không ít áp lực gia tăng. Hết quí 1, tỷ giá trung tâm tăng chưa tới 0,5% so với đầu năm, giá niêm yết mua bán đô la Mỹ của các ngân hàng đã tăng hơn 1,6%, còn giá trên thị trường tự do đã tăng 2,8% so với đầu năm. Đặc biệt, xu hướng đi lên duy trì liên tiếp qua ba tháng của quí 1-2024.
Thật ra, quy định hiện hành có phần trói buộc các TCTD khi muốn mua bán ngoại tệ kỳ hạn với nhau hoặc với khách hàng, chủ yếu ở quy định tỷ giá kỳ hạn phải xác định dựa trên cơ sở “chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố và lãi suất mục tiêu đô la Mỹ của Fed”, vì thời gian qua biến động lãi suất của hai đồng tiền này đã diễn biến theo những chiều hướng khó lường nhất.
Tại thời điểm tháng 3-2021, tức cách đây ba năm, lãi suất tái cấp vốn tiền đồng ở mức 4%/năm, còn lãi suất mục tiêu đô la Mỹ của Fed nằm trong vùng 0-0,25%. Theo đó, mức chênh lệch giữa hai lãi suất điều hành tiền đồng – đô la Mỹ lên đến 4%, với lãi suất đô la Mỹ lấy theo mức lãi suất thấp nhất trong khoảng biên độ như quy định của NHNN. Còn hiện tại, lãi suất tái cấp vốn tiền đồng đang ở mức 4,5%/năm, áp dụng từ tháng 6 năm ngoái đến nay, trong khi lãi suất đô la Mỹ đã leo lên mức 5,25-5,5%/năm, tức mức chênh lệch đã chuyển sang âm 0,75%.
Về cơ bản, đồng tiền có lãi suất cao hơn sẽ có tiềm năng tăng giá hơn, do đó nếu dựa trên mức chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền hiện nay, tỷ giá kỳ hạn đô la Mỹ/tiền đồng mà các ngân hàng xác định sẽ phải cao hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết dự báo đều cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất trở lại trong năm nay, cơ quan này mới đây cũng tuyên bố sẽ có ba lần giảm trong năm nay, do đó dự báo mức chênh lệch lãi suất chính sách của hai đồng tiền thời gian tới có thể đảo chiều lại .
Ngoài ra, nếu dựa trên cơ sở đầu tiên là tỷ giá giao ngay tại ngày giao dịch, hiện đang khá cao sau chuỗi tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, càng đẩy tỷ giá kỳ hạn đô la Mỹ/tiền đồng lên cao hơn, trong khi các dự báo lại cho rằng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ đi xuống trở lại trong năm nay khi Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và nới lỏng trở lại bằng cách giảm lãi suất.
Hệ quả là các hợp đồng mua bán đô la Mỹ kỳ hạn với tỷ giá kỳ hạn ở mức cao, khi xác định theo các cơ sở như quy định hiện hành, sẽ khó được giao dịch. Không chỉ các TCTD mà ngay cả khách hàng, đặc biệt là những khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu sẽ không tham gia vào các hợp đồng mua kỳ hạn hay hợp đồng hoán đổi tiền tệ như vậy. Vì vậy, thanh khoản thị trường của các hợp đồng kỳ hạn này sẽ giảm sút là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn có nhu cầu ngoại tệ để nhập hàng trong giai đoạn cao điểm 6-9 tháng tới, do đó khi không chắc chắn tiếp cận được nguồn ngoại tệ trong tương lai với giá hợp lý, họ có thể tranh thủ tích trữ ngoại tệ ngay từ bây giờ. Nói cách khác, nhu cầu trong tương lai nếu không được đáp ứng sẽ đổ dồn về thời điểm hiện tại. Điều này cũng góp phần gây áp lực lên tỷ giá giao ngay trên thị trường phi chính thức.
Ngược lại, trường hợp thứ 2 cũng có thể xảy ra là các ngân hàng muốn giao dịch theo tỷ giá kỳ hạn đô la Mỹ/tiền đồng cao hơn nữa, nhất là các ngân hàng có nguồn ngoại tệ khiêm tốn, nhưng lại bị vướng mức trần tỷ giá kỳ hạn khi phải xác định theo các cơ sở đã quy định. Hệ quả là các khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu không muốn bán ngoại tệ kỳ hạn vì cho rằng giá chưa hấp dẫn và đúng kỳ vọng. Đến lượt mình, các ngân hàng cũng hạn chế bán ngoại tệ kỳ hạn cho doanh nghiệp nhập khẩu hay khách hàng có nhu cầu ngoại tệ trong tương lai. Điều này cũng làm giảm sự thông suốt trong giao dịch của thị trường, gây tắc nghẽn dòng ngoại tệ dịch chuyển, góp phần gia tăng áp lực lên thị trường ngoại hối tại một số giai đoạn.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/them-giai-phap-on-dinh-thi-truong-ngoai-hoi/