Thêm góc nhìn về đời sống phong phú tại Triều Tiên

Cuốn 'North Korea: The People's Paradise' của Tariq Zaidi mang đến một bức chân dung sống động và nhân văn về đời sống ở đất nước Triều Tiên.

Là một trong những quốc gia biệt lập, Triều Tiên có sức hấp dẫn độc đáo với thế giới bên ngoài. Do thiếu thông tin, đã có nhiều hiểu lầm về đời sống tại Triều Tiên, thậm chí có những văn bản miêu tả đây là một quốc gia lạc hậu, người dân không thường thể hiện quan điểm và thiếu đi sự độc đáo. Tuy nhiên, thực tế tại Triều Tiên có nhiều khác biệt.

Cách tiếp cận cân bằng

Với cuốn sách mới North Korea: The People’s Paradise, Tariq Zaidi đã vượt qua những khuôn sáo này, khắc họa một bức chân dung về Triều Tiên phong phú, sống động và nhân văn.

 Người dân thư giãn ven suối. Ảnh: Tariq Zaidi.

Người dân thư giãn ven suối. Ảnh: Tariq Zaidi.

Được chụp từ năm 2017 đến năm 2018, những bức ảnh miêu tả những khung cảnh đa dạng tại Triều Tiên: từ thủ đô Bình Nhưỡng với nhiều công trình lớn, hoành tráng cho đến vùng núi xanh tươi tốt; từ các cuộc tập trận quân sự, người dân đi làm trong giờ cao điểm hay tham gia vào công việc lao động, cho đến những người cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật tại công viên giải trí, câu cá bên sông hay uống bia tại một bữa tiệc đồ nướng.

 Phong cảnh tại Triều Tiên. Ảnh: Tariq Zaidi.

Phong cảnh tại Triều Tiên. Ảnh: Tariq Zaidi.

Ngoài hình ảnh của người dân, sự hiện diện của nhà nước và yếu tố an ninh, an toàn cũng được thể hiện trong nhiều bức ảnh. Trong một khung hình tại bãi biển, một người lính mặc đồng phục đứng canh gác một mình trong khi những người phụ nữ mặc váy màu sắc rực rỡ đi dạo dọc bờ biển.

“Một số bức ảnh trong cuốn sách ghi lại cả cuộc sống thường ngày và vai trò lãnh đạo của chính phủ. Tôi muốn bảo đảm sự cân bằng giữa các bên, vừa tập trung vào những khoảnh khắc giải trí và sinh hoạt cộng đồng, vừa làm nổi bật sự hiện diện của các lực lượng xã hội rộng lớn hơn”, Zaidi cho biết.

 Hình ảnh ven bãi biển. Ảnh: Tariq Zaidi.

Hình ảnh ven bãi biển. Ảnh: Tariq Zaidi.

Sự kết nối với người dân Triều Tiên

Tariq Zaidi đã chia sẻ với báo chí về sự chào đón ông nhận được khi ghi hình tại Triều Tiên và lý do nhiếp ảnh gia này muốn chia sẻ về sự sống động của cuộc sống hàng ngày ở đây.

“Nhiều dự án nhiếp ảnh của tôi thường tập trung đến các cộng đồng và địa điểm chưa được thế giới biết đến. Triều Tiên đã khiến tôi tò mò trong nhiều năm vì chúng ta biết rất ít về nơi đây, ngoại trừ một số điều các phương tiện truyền thông thường đề cập. Do đó, tôi muốn sử dụng nhiếp ảnh để mang đến cái nhìn thoáng qua về cuộc sống hàng ngày ở Triều Tiên, ghi lại con người và văn hóa nhiều nhất có thể”.

“Trong 4 năm qua, tất cả du khách đều không thể tiếp cận Triều Tiên, kể cả những người Triều Tiên cư trú ở nước ngoài. Trước khi đóng cửa vì dịch Covid-19, việc công dân các nước xin thủ tục nhập cảnh vào Triều Tiên có thể được thực hiện thông qua một số đơn vị lữ hành được cấp phép ở Trung Quốc hoặc Nga”, Zaidi cho hay.

May mắn là Zaidi đã thực hiện chuyến đi của mình trước khi dịch bệnh bùng lên và quá trình khám phá vẫn diễn ra thoải mái. Sau khi nhập cảnh, Zaidi được hai người hướng dẫn Triều Tiên hỗ trợ trong suốt quá trình ảnh. Theo chia sẻ của Zaidi, việc chụp ảnh đời sống hàng ngày của người dân có thể được thực hiện thoải mái. Tuy nhiên, việc chụp chân dung cá nhân cũng cần được chú ý. Thêm vào đó, việc quay phim ở Triều Tiên cũng có một số khó khăn về mặt hậu cần, nhưng ông đã quen làm việc trong những môi trường nhiều thử thách.

 Zaidi chia sẻ về trải nghiệm chụp ảnh, quay phim tại Triều Tiên. Ảnh: Tariq Zaidi.

Zaidi chia sẻ về trải nghiệm chụp ảnh, quay phim tại Triều Tiên. Ảnh: Tariq Zaidi.

Đề cập về sự kết nối với người dân, Zaidi cho hay: “Ở Triều Tiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy không an toàn cũng như không gặp phải bất kỳ sự thù địch nào khi họ biết tôi là một nhiếp ảnh gia nước ngoài. Mọi người tôi gặp đều thân thiện và hiếu khách. Nhìn chung, trẻ em đồng ý cho tôi chụp ảnh và người lớn cũng cho phép tôi chụp ảnh sau vài phút hỏi thăm một cách lịch sự”.

“Dù vậy, tại một số nơi mọi người dường như ngại ngùng hơn. Ví dụ, ở tàu điện ngầm, khi tôi đưa ống kính máy ảnh vào mọi người, họ có vẻ ngượng ngùng và cúi đầu xuống để tránh bị chụp ảnh. Tôi không chắc đó là do tính cách hay do sự khác biệt về văn hóa. Giống như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, tôi chụp ảnh những người sẵn sàng và tôn trọng nếu họ không muốn lên hình”, ông nói.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/them-goc-nhin-ve-doi-song-phong-phu-tai-trieu-tien-post1484793.html