Thêm kỳ tích của ngành y Việt Nam: Sau ghép phổi hơn 1,5 tháng, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định và xuất viện

Sau hơn 1,5 tháng được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức ghép phổi từ người cho chết não, bệnh nhân N.V.K (38 tuổi) đã ổn định sức khỏe và được xuất viện vào hôm nay- ngày 4/10.

"Cảm ơn các bác sĩ và người hiến tạng cùng gia đình đã hồi sinh sự sống cho con trai chúng tôi"

Đón con trai trở về, ở hội trường Tôn Thất Tùng của Bệnh viện Việt Đức, thay mặt gia đình, bác Nguyễn Thị Điền (Chương Mỹ, Hà Nội)- mẹ bệnh nhân N.V.K rưng rưng nói, tôi cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã hồi sinh sự sống cho con trai tôi. Đã có những lúc gia đình tôi tưởng con trai sẽ không còn, nhưng hôm nay con tôi đã khỏe mạnh và được ra viện. Gia đình tôi cũng xin cảm ơn người hiến tạng và gia đình có nghĩa cử cao đẹp đã san sẻ một phần cơ thể cho con tôi để cháu được khỏe mạnh như hôm nay...

Cách đây hơn 1,5 tháng vào ngày 12/8/2019, Bệnh viện Việt Đức công bố đã thực hiện 15 ca ghép tạng trong sáu ngày, trong đó có ca ghép phổi thứ hai tại hoàn toàn do các thầy thuốc của bệnh viện thực hiện.

GS.TS Trần Bình Giang và PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chúc mừng bệnh nhân được ghép phổi xuất viện.

GS.TS Trần Bình Giang và PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chúc mừng bệnh nhân được ghép phổi xuất viện.

Bệnh nhân được ghép phổi là anh N.V.K 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. 10 năm nay, tình trạng bệnh diễn biến nặng. Gần đây, bệnh nhân liên tục nằm viện với máy thở và ô-xy hỗ trợ. Nếu không ghép phổi, bệnh nhân sẽ phải thường xuyên dùng máy thở hỗ trợ và có tiên lượng sống dưới 1 năm...

Và, nhờ nguồn tạng từ người cho chết não đã giúp cho bệnh nhân K. được thực hiện ca ghép phổi. Ca lấy và ghép hai phổi cho bệnh nhân K. đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4 giờ chiều 12/8 tới 6 giờ 30 phút sáng ngày 13/8. Sau mổ vài ngày, bệnh nhân K. tỉnh nhanh nhưng phải sau ba tuần, gia đình mới được gặp.

Chị Nguyễn Thị Hạnh- vợ bệnh nhân K. kể, gặp lại gia đình sau khi được tái sinh một lần nữa, anh K chỉ biết xúc động nói “mừng quá”. Hai lá phổi đã thích nghi trong cơ thể anh K, giúp anh trở lại cuộc sống bình thường với những ăn uống, sinh hoạt và hơi thở không còn khổ sở như trước

Bác Nguyễn Thị Điển cho biết thêm, ngay từ bé khi anh K. được 8 tháng tuổi đã phải đi viện 11 ngày vì viêm phế quản, ho suyễn, thời điểm đó cứ tiêm, uống thuốc đều là đỡ nhưng cứ trái gió trở trời, bệnh lại tái phát. Qua từng năm, sức khỏe anh K. cứ kém dần. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, bệnh trở nặng, anh không thể tự thở, gia đình phải mua máy thở về nhà hỗ trợ thở cho anh K.

Bệnh nhân N.V.K tặng hoa GS.TS Trần Bình Giang và PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trước khi xuất viện. Sức khỏe của bệnh nhân K. đã ổn định và anh hiện là bệnh nhân ghép phổi đầu tiên được ra viện

Bệnh nhân N.V.K tặng hoa GS.TS Trần Bình Giang và PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trước khi xuất viện. Sức khỏe của bệnh nhân K. đã ổn định và anh hiện là bệnh nhân ghép phổi đầu tiên được ra viện

“Con trai tôi cũng đã vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị nhiều lần nhưng bác sĩ lắc đầu nói không còn cách nào khác, chỉ còn ghép phổi. Lúc đó thấy rất tuyệt vọng, tưởng sẽ chết. Bây giờ được tái sinh lần 2 và khỏe mạnh ra viện, tôi rất hạnh phúc. Trước khi phẫu thuật, con trai tôi chỉ nặng 41kg, giờ đã nặng 47 kg, có thể ăn uống, nói chuyện bình thường”- bác Điển chia sẻ.

Sau hơn 1,5 tháng được chăm sóc tích cực, bệnh nhân N.V.K đã hoàn toàn ổn định và có thể xuất viện. “Chúng tôi hẹn bệnh nhân tái khám liện tục trong nhiều tháng để tiếp tục phục hồi chức năng cho phổi ghép”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước- Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức thông tin

Về ca ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não đầu tiên - do các bác sĩ của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện vào ngày 12/12/2018, cho một bệnh nhân 17 tuổi, mắc bệnh mô bào phổi (thể đặc biệt của ung thư) giai đoạn cuối và suy đa tạng rất nặng, PGS Ước cho biết, ca mổ đã thành công về mặt kỹ thuật. Tới nay bệnh nhân vẫn còn sống sau ca ghép phổi gần 10 tháng, vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.

Nơi hồi sinh nhiều sự sống tưởng chừng không còn cơ hội...

Thành công của ca ghép phổi thứ 2 này đã thêm minh chứng cho việc các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã làm chủ được hoàn toàn các kỹ thuật cao, khó trong ghép tạng, đặc biệt là ghép phổi bởi theo như PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, “ghép phổi không chỉ là một kỹ thuật khó mà là kỹ thuật rất khó”.

“Thành công này cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên - khích lệ đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn, dám nghĩ dám làm. Với hai ca ghép phổi thành công, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều ca ghép tim và phổi, Trung tâm tin tưởng tới đây sẽ phát triển tốt hơn nữa về các kỹ thuật và sẽ đưa ghép phổi thành thường quy như ghép tim và các tạng khác”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói

Ngày hôm nay, 4/10 cũng là ngày ghi dấu ấn phát triển mới của Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức bởi GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện đã trao quyết định thành lập Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực trên cơ sở của Khoa.

Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực của Bệnh viện Việt Đức là cái nôi của nhiều thể hệ thầy thuốc chuyên ngành Ngoại Tim mạch và Lồng ngực trong cả nước, với lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển cùng với bệnh viện từ cuối những năm 50 của thế kỷ 20, cùng với các bậc thầy tên tuổi như các cố giáo sư Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xuân Ty, Tôn Thất Bách; giáo sư Đặng Hanh Đệ …

GS.TS Trần Bình Giang trao quyết định thành lập Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức

GS.TS Trần Bình Giang trao quyết định thành lập Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Bình Giang nhấn mạnh, từ hơn 10 năm nay, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, bệnh viện và khoa đã tập trung phát triển, mở rộng các chuyên ngành sâu bên cạnh ngoại khoa, như nội khoa, can thiệp tim mạch, hô hấp, hồi sức nội khoa và hồi sức sau mổ tim mạch…, để hoạt động theo mô hình một trung tâm chuyên khoa tim mạch và lồng ngực, với chu trình chẩn đoán và điều trị khép kín cho bệnh nhân.

Khoa đã gặt hái được rất nhiều thành công chuyên môn từ vài năm trở lại đây như: ghép tim, ghép phổi, can thiệp và hybrid động mạch chủ, bệnh lý lóc động mạch chủ, điều trị nội - ngoại khoa các bệnh mạch máu, phẫu thuật các bệnh lý phức tạp của phổi và trung thất…, nâng cao uy tín của khoa và bệnh viện ở cả trong và ngoài nước.

“Trong 60 năm qua, khoa đã thực hiện hàng nghìn ca mổ tim phức tạp và đã phát triển kỹ thuật mổ tim lồng ngực tương đương với nhiều nước, đồng thời cũng đã chuyển giao kỹ thuật tim mạch cho các bệnh viện trong cả nước. Trong đó, nổi bật là khoa đã thực hiện 26 ca ghép tim và hai ca ghép phổi thành công trong những năm qua”- GS.TS Trần Bình Giang nhấn mạnh

Những dấu mốc lịch sử đặc biệt của Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực nay là Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực
Ghép tim từ người cho đa tạng chết não đầu tiên ở Việt Nam (14 / 4 / 2011).
Hybrid quai động mạch chủ đầu tiên ở Việt Nam (8 / 2012)
Đơn vị Can thiệp – Phẫu thuật tim mạch (Hybrid) đầu tiên ở Việt Nam được chính thức thành lập (3 / 2013).
Số lượng Hybrid điều trị bệnh động mạch chủ đã gần 100 ca, nhiều nhất cả nước, trong đó gần 70 ca là cấp cứu do vỡ, dọa vỡ.
Nhiều kỹ thuật mổ hoặc hồi sức sau mổ: hoặc nhiều nhất hoặc đầu tiên ở miền Bắc và cả nước (như ECMO, bóng đối xung nội động mạch chủ, bắc cầu tĩnh mạch tại chỗ phá van, mổ ngực không đặt nội khí quản …).

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-ghep-phoi-hon-15-thang-benh-nhan-da-hoan-toan-on-dinh-va-xuat-vien--n164203.html