Thêm mấy chuyện chép từ Lý Sơn - Bài 2: Nghiệp đoàn, nghiệp đời

Bao năm nay, hễ có sự vụ gì trên biển xảy ra với ngư dân Lý Sơn, cánh báo chí khắp nơi liền gọi điện ới ời cho ông Chinh. Giờ gõ vào google thấy cái tên Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải xuất hiện liên tục.

Nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên cả nước

Ông Chinh kể năm 2011 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khi ấy là ông Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Đặng Ngọc Tùng ra Lý Sơn. Lúc này ngư dân vẫn đi biển riêng lẻ, chưa ai nghĩ đến những đội tàu tập thể. Làm ăn tản mát, manh mún nên đa phần thua lỗ. Kiểm ngư và hải quân Trung Quốc thường xuyên ngăn cản, tịch thu tài sản của ngư dân, khiến nhiều gia đình trắng tay, nợ nần chồng chất.

Một quyết định nhanh chóng, đó là phải đoàn kết ngư dân giúp nhau bám biển. Ngày 15/9/2011, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải ra mắt, cũng chính là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong số 28 tỉnh thành có biển. Và “sói già” Nguyễn Quốc Chinh được tín nhiệm bầu là Chủ tịch của nghiệp đoàn đầu tiên này. Ban đầu, nghiệp đoàn An Hải có 35 tàu cá với 428 ngư dân, đến nay lên khoảng 50 tàu với trên 600 ngư dân chia thành 15 tổ. Cùng với Nghiệp đoàn An Vĩnh (thành lập tháng 7/2012), những ngư dân Lý Sơn đồng lòng xem Hoàng Sa, Trường Sa là “vườn rau ao cá” của mình, vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Sói già Nguyễn Quốc Chinh và thuyền trưởng kế cận Võ Văn Sơn. Ảnh: Trần Tuấn

Sói già Nguyễn Quốc Chinh và thuyền trưởng kế cận Võ Văn Sơn. Ảnh: Trần Tuấn

Dẫn tôi một vòng quanh cảng cá, ông Chinh điểm lại những cái lợi rất lớn từ khi có nghiệp đoàn. Ở Lý Sơn mỗi chủ phương tiện thường có 2-3 tàu, nhưng trước đây do khai thác kém hiệu quả nên nhiều tàu phải nằm bờ vì không thu hút được thuyền viên. Giờ đây nhờ lợi thế đoàn kết, bảo vệ tương trợ lẫn nhau nên các tàu làm ăn đều khá, thuyền viên trở nên dồi dào. Nghiệp đoàn thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng tập huấn cho đoàn viên kỹ năng, các quy ước thông tin liên lạc, biện pháp ứng phó thiên tai, cách phòng tránh đồng thời hỗ trợ nhau khi bị tàu nước ngoài đâm va, cướp đoạt tài sản và bắt giữ người. Đồng thời, những ngư dân cũng cung cấp về đất liền mọi thông tin, hình ảnh về hoạt động xâm nhập trái phép của tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển Việt Nam.

Tôi hỏi “có khủng hoảng nhân sự gì trong việc bầu bán nghiệp đoàn lần này không?”, ông thoáng im lặng. Tìm hiểu từ ngư dân, nghe bà con kể có người khi bị phía Trung Quốc bắt giữ đã chấp nhận ký vào văn bản sai trái về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc để được yên thân sớm thả về. Nay có khả năng ứng cử vào nghiệp đoàn, bà con không băn khoăn sao được?

Ông Chinh còn đưa ra một sáng kiến quan trọng, đó là “cổ phần hóa” tàu cá: Ngư dân sẽ trở thành các cổ đông góp tiền cho chủ tàu lấy vốn đầu tư đi biển. Hiện giờ trung bình mỗi tàu cá có 15-17 cổ đông, ngư dân gắn bó hơn, yên tâm bám biển bám tàu làm ăn, chứ không còn làm thuê riêng lẻ như trước.

Nhớ lần trò chuyện mới đây với thuyền trưởng sinh năm 1989 Bùi Văn Phải, một nhân vật nổi tiếng của báo Tiền Phong trong vụ bị tàu Trung Quốc bắn cháy tàu vẫn ôm lá cờ Tổ quốc cháy sém vào ngực hồi tháng 3/2013, khi Phải mới 24 tuổi. Phải kể từ khi có nghiệp đoàn, bà con ngư dân mừng lắm, chỉ riêng việc cứu hộ, cứu nạn, trục vớt tàu của nhau cũng như một kỳ tích. Bởi trước đây đánh bắt riêng lẻ, ngư dân phải chịu chi phí rất lớn mỗi khi gặp tai nạn, sự cố. Như kéo tàu từ Hoàng Sa về phải mất 200 triệu đồng, từ Trường Sa về mất 300 triệu. Nay các tàu cùng nghiệp đoàn cứu nhau không lấy tiền công, khi về nghiệp đoàn thưởng vài triệu đồng là vui rồi!

Nhớ lời ông Chinh, trong số 87 vụ cứu hộ, cứu nạn giữa biển khơi mà ngư dân An Hải thực hiện từ khi có nghiệp đoàn đến nay, riêng “sói biển” Bùi Văn Phải đã thực hiện thành công 18 trường hợp.

32 ngư dân Trung Quốc gặp nạn tại Trường Sa được thuyền trưởng Bùi Văn Phải cứu sống ngày 11/7/2019. Ảnh: BVP

32 ngư dân Trung Quốc gặp nạn tại Trường Sa được thuyền trưởng Bùi Văn Phải cứu sống ngày 11/7/2019. Ảnh: BVP

Tôi để ý trong cuộc trò chuyện, ông Chinh dường như không rời mắt khỏi chiếc điện thoại. Trong chiếc điện thoại ấy có vị trí từng tàu của nghiệp đoàn đang ở giữa biển khơi. Ông quan sát tàu nào đang chạy hướng nào, tốc độ bao nhiêu, có vi phạm “lằn ranh đỏ” không. Nếu tàu nào gặp sự cố sẽ điều tàu gần nhất đến cứu.

Ông nhớ lại, lúc 3 giờ sáng ngày 22/10/2018, ông nhận tin tàu QNg 96307TS của thuyền trưởng Nguyễn Văn Hộ cùng 13 thuyền viên của Nghiệp đoàn An Vĩnh (Lý Sơn) bị tàu nước ngoài đâm chìm trong đêm ở Hoàng Sa. Ông lập tức liên lạc điều tàu QNg 96789TS của thuyền trưởng Dương Minh Lành đang khai thác gần, trên có 17 thuyền viên, tức tốc chạy đi cứu. Thuyền trưởng Lành sau đó về kể lại, khi tìm được thì các ngư dân đã đuối nước sắp chết vì phải vẫy vùng trên biển suốt 12 tiếng đồng hồ. Chuyến ấy không chỉ cứu người, mà còn cứu được cả tàu, kéo về đến Lý Sơn.

Một trường hợp đặc biệt khác: Lúc 6h30 ngày 11/7/2019, tàu QNg 96169TS của thuyền trưởng Bùi Văn Phải (An Hải) cùng 14 ngư dân đang chạy xuống ngư trường Trường Sa để đánh bắt, khi đến tọa độ 13024’N - 112058’E thì phát hiện 5 chiếc ca nô trôi dạt, bên trên có tổng cộng 32 ngư dân Trung Quốc đang kêu khóc hoảng loạn ra hiệu xin cứu nạn. Nghe thuyền trưởng Phải cấp báo về, ông Chinh vội báo cho cơ quan chỉ huy của tỉnh và trung ương, ngay sau đó có chỉ đạo phải cứu bằng được nhóm ngư dân này. Các ngư dân Trung Quốc gặp nạn được đưa lên tàu cho ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Đến khoảng 12h thì bàn giao toàn bộ ngư dân cho tàu Xuan Yang Ho mang số IMONO 9398943 chở về Hải Nam.

Trăn trở với nghiệp đoàn

Là Ủy viên thường vụ Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam phụ trách cụm Duyên hải Nam Trung bộ, kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn An Vĩnh, ông Nguyễn Quốc Chinh lo lắng cho ngư dân còn hơn người nhà. Ông gửi kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh, đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy, trả lời phỏng vấn báo đài, đề đạt những trăn trở của ngư dân. Như việc ngư dân Quảng Ngãi mỗi phiên biển phải gửi đủ 15 tin nhắn về cho Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh bằng thiết bị VX 1.700 nay đã lạc hậu, thường xuyên bị nghẽn mạng. Nếu thiếu tin nhắn sẽ không được hỗ trợ tiền dầu. Trong khi các địa phương khác đã sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình 24/24 tàu ở bất kỳ đâu trên bờ đều biết.

Ông day dứt chuyện ngư dân của mình phải đợi hết một năm mới được nhận hỗ trợ tiền dầu, không có tiền cho những chuyến biển tiếp theo, trong khi các nơi đều chi trả mỗi năm 4 lần theo quy định. Ông kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy cho trích kinh phí Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để hỗ trợ các tàu bị thiên tai và nhân tai trên biển, cũng như các tàu có tinh thần cứu nạn bất chấp hiểm nguy, thiệt thòi...

Đợt này ông xin rút không tái cử BCH Nghiệp đoàn An Hải khóa 3 (2023-2028). Có 11 người cũ, thì 9 đã xin rút khỏi BCH khóa tới. “Mong chọn được người có uy tín, trách nhiệm, có kinh nghiệm nghề biển cũng như hết lòng vì ngư dân làm công việc này. Đặc biệt còn phải có đủ sự hiểu biết và kỹ năng xử lý thông tin, văn bản tổng hợp, báo cáo. Các đoàn viên nghiệp đoàn cũng mong mỏi có được những người như vậy, giúp họ bớt lo lắng, yên tâm trên biển”, ông Chinh nói như rút cả gan ruột, khóe mắt chợt rưng rưng.

(Còn nữa)

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/them-may-chuyen-chep-tu-ly-son-bai-2-nghiep-doan-nghiep-doi-post1500606.tpo