Thêm nguồn lực

Tuần qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 191-QĐ/TW, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Sự bổ sung này nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; trong đó xác định công tác này có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhìn lại thì thấy, việc phòng, chống lãng phí là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta từ trước nay. Trung ương đã ban hành nhiều văn bản liên quan, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí. Đặc biệt, mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chống lãng phí” - một thông điệp mạnh mẽ, thức tỉnh sâu sắc ý thức, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, quyết liệt đưa ra những giải pháp giải quyết triệt để việc lãng phí, nhằm tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Trong thực tiễn, có thể thấy lãng phí đã và đang tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực. Có dạng nhìn thấy được - từ lãng phí điện, nước, thời gian; đến lãng phí do thiếu quy hoạch, sự không hiệu quả trong đầu tư công, hay các dự án bị bỏ hoang không được sử dụng. Có dạng lãng phí “vô hình” như lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng, và đặc biệt là lãng phí trong hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước…

Hậu quả là gây thiệt hại về tài sản, thu hẹp hoặc mất đi những cơ hội phát triển, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tạo ra sự bất công trong xã hội và gây mất lòng tin trong Nhân dân đối với Đảng cầm quyền.

Nhân dân phấn khởi khi thấy Đảng tuyên chiến trực diện với lãng phí, đất nước sẽ có thêm nguồn lực cho phát triển. Nhân dân cũng mong muốn sớm ban hành Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về phòng, chống lãng phí, làm căn cứ cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Các cơ quan chức năng rà soát các quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời với thực tiễn hiện nay; rà soát những tồn tại kéo dài đối với các dự án trọng điểm quốc gia để có giải pháp khắc phục, hạn chế thất thoát, lãng phí…

Đồng thời, rất cần sự chung tay đồng lòng, sự vào cuộc của mỗi cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để đạt được những thay đổi bền vững, xử lý từ gốc rễ vấn đề lãng phí đã và đang tồn tại.

Ngọc Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/them-nguon-luc-201311.html