Thêm nhiều bằng chứng về hiệu quả của tiêm tăng cường trước Omicron

Tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Belfast (Anh), ngày 21/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Chỉ một sĩ lệ nhỏ trẻ em Israel bị viêm cơ tim sau tiêm phòng vắc xin COVID-19

Ngày 27/1, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết mũi vắc xin tăng cường phòng COVID-19 giúp tăng khả năng tránh nguy cơ tử vong trước biến thể Omicron lên tới 95% cho những người trên 50 tuổi.

UKHSA cho biết, đối với những người trên 50 tuổi, khoảng sáu tháng sau khi hoàn thành liều cơ bản bất kỳ loại vắc xin phòng COVID-19 nào, hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ tử vong đối với biến thể Omicron còn khoảng 60%. Khả năng bảo vệ sẽ tăng lên khoảng 95% sau hai tuần nhóm tuổi này được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Cơ quan này cho biết thêm vắc xin của Pfizer/BioNTech có hiệu quả 90% trong việc ngăn chặn nguy cơ nhập viện do biến chứng COVID-19, tỉ lệ này giảm xuống còn 75% trong 10-14 tuần sau khi tiêm mũi bổ sung và đối với vắc xin của Moderna, mức độ hiệu quả tăng lên 90-95% sau chín tuần tiêm mũi tăng cường.

Giáo sư Mary Ramsay, người đứng đầu về miễn dịch tại UKHSA, cho hay vắc xin gúp bảo vệ con người trước mọi tác động của COVID-19 và mũi tiêm tăng cường sẽ tạo mức độ bảo vệ cao trong việc ngăn chặn nguy cơ nhập viện cũng như tử vong ở những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Kết luận trên được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh tại nhiều nước. Tuần trước Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 không kéo theo sự gia tăng về số ca tử vong.

Trong khi đó, Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ công bố kết quả nghiên cứu cho thấy mũi tăng cường vắc xin phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA giúp tránh nguy cơ nhập viện ở những trưởng thành bị suy giảm hệ miễn dịch. Nghiên cứu có sự tham gia của 2.850 người trưởng thành.

Theo các nhà nghiên cứu, mũi vắc xin thứ ba có hiệu quả từ 69%-88% trong việc ngăn chặn nguy cơ nhập viện đối với những người bị suy giảm miễn dịch bị mắc COVID-19, và 82%-97% đối với người có bệnh nền.

Theo CDC Mỹ, những phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm mũi tăng cường đối với người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch, sử dụng vắc xin mRNA vào 28 ngày sau mũi vắc xin thứ hai và đối với những người trưởng thành có đủ khả năng miễn dịch trong năm tháng kể từ khi hoàn thành liều tiêm cơ bản.

* Theo số liệu công bố ngày 27/1 của Bộ Y tế Israel, trong tổng số hàng trăm nghìn trẻ em trong độ tuổi 12-15 đã được tiêm phòng vắc xin COVID-19 tại nước này chỉ có 15 em bị chứng viêm cơ tim sau tiêm.

Trong số bệnh nhân nói trên có một em bị viêm cơ tim sau mũi vắc xin thứ nhất; 12 em bị sau mũi tiêm thứ hai và hai em bị sau mũi thứ ba. Tất cả đều có biểu hiện nhẹ và được ra viện sau vài ngày điều trị. Ngoài ra, đến nay chưa có em nào trong nhóm tuổi 5-11 bị chứng viêm cơ tiêm sau tiêm phòng.

Thông báo của Bộ Y tế Israel dựa trên một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2/6 đến 20/10 năm ngoái, khi đã có khoảng 404.000 trẻ em trong độ tuổi 12-15 được tiêm mũi thứ nhất và 326.000 người trưởng thành được tiêm mũi hai.

Đối với hai trường hợp viêm cơ tim sau mũi ba, các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng không liên quan tới tiêm vắc xin do thời gian tiêm và xuất hiện triệu chứng cách xa nhau.

Tính theo sĩ lệ, nguy cơ bị viêm cơ tim đối với trẻ em là thấp hơn so với nhóm tuổi 16-24, nhưng cao hơn một chút so với số liệu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ công bố trước đó.

Tính đến nay tại Israel đã có 440.000 trẻ em 12-15 tuổi được tiêm mũi một phòng COVID-19, 364.000 em được tiêm mũi hai và 88.000 em được tiêm mũi ba. Trong nhóm tuổi 5-11, đã có 315.000 em tiêm mũi một và 167.000 tiêm mũi hai.

Giáo sư Dror Mevorach tại bệnh viện Hadassah, một thành viên của nhóm nghiên cứu khẳng định: “Với số liệu trên, chắc chắn lời khuyên là nên đi tiêm phòng. Một số người cho rằng tôi nên thận trọng, do có thể người dân sẽ không đi tiêm nếu họ biết có nguy cơ bị viêm cơ tim sau đó, nhưng quan điểm của tôi hoàn toàn ngược lại.

Người dân cần biết rằng bác sĩ coi sự thật và sự minh bạch trong y tế là giá trị tối thượng. Chỉ bằng cách này chúng ta có thể vận động người dân và phòng tránh tin giả”.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270345/them-nhieu-bang-chung-ve-hieu-qua-cua-tiem-tang-cuong-truoc-omicron.html