Theo dõi báo điện tử Kiên Giang trên Tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi

Kiên Giang là 1 trong 7 tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ dịch sởi rất cao. Do đó, tỉnh được Bộ Y tế phân bổ vaccine và đang triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng, chống dịch sởi năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh. Chiến dịch nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng, chống bệnh sởi trong cộng đồng.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình tiêm chủng bị ảnh hưởng, dẫn đến nhiều trẻ bị bỏ lỡ mũi tiêm, trong đó có vaccine sởi và rubella. Ngoài ra, việc gián đoạn cung ứng tạm thời các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2022-2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng, trong đó có vaccine sởi và rubella.

Kết quả đánh giá nguy cơ dịch sởi tại 63 tỉnh, thành phố theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, cả nước có 7 tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch sởi rất cao gồm Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước và Kiên Giang.

Tại Kiên Giang, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 285 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 167 ca xét nghiệm dương tính với virus sởi. TP. Phú Quốc ghi nhận ca bệnh sởi cao nhất với 127 ca, còn lại các huyện, thành phố ghi nhận ca sởi gồm An Minh, An Biên, Châu Thành, Vĩnh Thuận, Kiên Lương, Hòn Đất, U Minh Thượng, Giồng Riềng, Tân Hiệp, TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên.

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Bàng (TP. Rạch Giá) được tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi.

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Bàng (TP. Rạch Giá) được tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi được triển khai tại 15 huyện, thành phố và diễn ra ngày 20 đến 30-9-2024, tùy tình hình thực tế của địa phương. Qua rà soát, toàn tỉnh có 86.717 người thuộc đối tượng tiêm vaccine sởi-rubella; trong đó có 82.091 trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi, 4.626 nhân viên y tế có nguy cơ mắc sởi cao.

Để đảm bảo công tác tiêm chủng đạt hiệu quả, an toàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024. Đồng thời tổ chức tập huấn hoặc gửi tài liệu hướng dẫn triển khai chiến dịch cho nhân viên y tế tuyến huyện và các cơ sở tổ chức điểm tiêm.

“Trung tâm tiếp nhận, bảo quản và phân bổ vaccine, vật tư tiêm chủng kịp thời, đầy đủ cho các đơn vị. Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn giám sát, hỗ trợ đảm bảo tiêm chủng an toàn, nhất là giám sát việc tiêm vét sau khi kết thúc đợt tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra”, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh cho biết.

Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 là trên 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi vaccine theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi hoặc dịch sởi xảy ra được tiêm 1 mũi vaccine sởi-rubella nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng, chống bệnh sởi trong cộng đồng.

Qua rà soát, huyện Giồng Riềng có nhu cầu 7.920 liều vaccine sởi-rubella và triển khai tiêm cho 2 đối tượng. Theo bác sĩ Hà Quốc Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng, đối với trẻ em từ 1-10 tuổi (6.332 trẻ), huyện tổ chức tiêm tại các trạm y tế xã, thị trấn vào buổi sáng các ngày 28, 29 và 30-9. Đối với nhân viên y tế có nguy cơ cao (610 nhân viên), huyện tổ chức tiêm tại trạm y tế xã, thị trấn và Trung tâm Y tế huyện vào các ngày 1, 2 và 3-10. “Đến nay, công tác tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi của huyện cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ và an toàn tiêm chủng”, bác sĩ Hà Quốc Việt nói.

Trước khi diễn ra chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi, các cơ sở y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, thông báo lịch tiêm chủng đến phụ huynh để chủ động đưa con em đến điểm tiêm chủng. Y sĩ Nguyễn Ngọc Lê Hoàng - Trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Bảo (TP. Rạch Giá) cho biết: “Trạm phối hợp các đơn vị trường học lồng ghép tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mẫu giáo, mầm non; vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine. Đến nay công tác tiêm chủng của trạm đúng tiến độ, đối tượng, đảm bảo an toàn sau tiêm chủng”.

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng của trẻ như viêm phổi, viêm màng não… Bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và công tác phòng bệnh phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng.

Bài và ảnh: MI NI

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/y-te/tiem-vaccine-phong-chong-benh-soi-22557.html