Theo dõi diễn biến bão Phanfone để chủ động ứng phó kịp thời
Nhiều tàu cá có công suất neo đậu tại cửa Phú, Nhật Lệ, Quảng Bình. Ảnh: TTXVN
"Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi diễn biến bão Phanfone để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời".
Thông tin trên là chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành trong cuộc họp ứng phó với bão Phanfone ngày 25/12, tại Hà Nội.
Ông Vũ Xuân Thành đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền biết hướng đi, diễn biến của bão để chủ động tránh trú, neo đậu vào nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ngay sau khi có thông tin về bão, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã chỉ đạo lực lượng biên phòng thông báo cho ngư dân biết tình hình, diễn biến của bão, kêu gọi chủ tàu, thuyền trưởng theo dõi diễn biến bão và chủ động có các biện pháp tránh trú an toàn.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết hiện khu vực giữa biển Đông có 158 tàu đang hoạt động, Tổng cục bố trí lực lượng trực 24/24 giờ phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, ứng phó với bão.
Tại các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau triển khai thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 21/CĐ-TW ngày 24/12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, gió mùa đông bắc để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Phanfone giật cấp 14 và "tiến thẳng" vào biển Đông.
Hồi 7 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,9 độ vĩ bắc; 122,5 độ kinh đông, trên khu vực miền Trung Philippine. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo, từ 7 giờ ngày 25/12 đến 7 giờ ngày 26/12, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và đi vào biển Đông.
Đến 7 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ vĩ bắc; 118,3 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 480km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên biển Đông từ 7 giờ ngày 25/12 đến 7 giờ ngày 26/12 (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão: Từ vĩ tuyến 11,5 độ vĩ bắc đến vĩ tuyến 15,5 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 116,5 độ kinh đông.
Từ 7 giờ ngày 26/12 đến 7 giờ ngày 27/12, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 7 giờ ngày 27/12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ vĩ bắc; 116,4 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 370km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Từ 7 giờ ngày 27/12 đến 7 giờ ngày 28/12, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 7 giờ ngày 28/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ vĩ bắc; 114,1 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Từ 7 giờ ngày 28/12 đến 7 giờ ngày 29/12, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.