Thí điểm Mobile Money: Tăng nhiệt cho thị trường thanh toán online
Nếu hồ sơ xin cấp phép của các nhà mạng được chuẩn bị có chất lượng và các điều kiện được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì dịch vụ Mobile Money sẽ sớm được triển khai.
Một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất trong tuần qua là Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Đây được cho là một dấu mốc lớn giúp thúc đẩy nhanh thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Căn cứ vào kết quả của 2 năm thí điểm sẽ là cơ sở để Chính phủ quyết định có cho Mobile Money chính thức hoạt động hay không?
Cần triển khai sớm
Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Đây chính là “cơ hội vàng” cho lĩnh vực thanh toán điện tử của Việt Nam vì ý thức của người dân đã được nâng cao.
Tính đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Điều này cũng được thể hiện ở việc người tiêu dùng lựa chọn thanh toán qua mã VNPAY QR hay qua Momo tăng mạnh.
Vì vậy, việc Chính phủ cho thí điểm thanh toán qua Mobile Money số lượng người tham gia sẽ rất lớn, bởi hiện nay hơn 30% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng nên hình thức thanh toán này rất phù hợp với những hàng hóa như cốc trà đá, vé gửi xe, mua hàng hóa nhỏ lẻ cho đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế, vay tín dụng...
Do đó, Mobile Money phát triển sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện.
Cũng theo một số chuyên gia ngân hàng, Mobile Money có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt…
Đưa ra quan điểm của mình về thí điểm này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ chủ trương của Chính phủ là một nền kinh tế muốn phát triển thì sẽ phải hạn chế dần dần việc thanh toán bằng tiền mặt, vì tiền mặt để lại nhiều hậu quả khó lường.
Ông Hiếu phân tích, một nền kinh tế mà dùng đến nhiều tiền mặt thì sẽ dẫn đến nhiều chi phí về in tiền, người dân giữ tiền mặt có thể sẽ ảnh hưởng đến an toàn của mỗi người như bị cướp giật, trộm cắp. Ngoài ra, mặt là phương tiện thanh toán không để lại dấu vết. Dùng tiền mặt sẽ tạo ra môi trường thuận tiện cho rửa tiền, tạo ra phương tiện 'hỗ trợ' cho tham nhũng và những hoạt động phi pháp, kể cả trốn thuế.
Chính vì vậy chủ trương của Chính phủ muốn thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử, qua tài khoản, qua chuyển khoản… Những giao dịch đó sẽ để lại dấu vết nên sẽ giảm thiều nhiều tệ nạn xã hội và cũng đỡ chi phí cho Ngân hàng Nhà nước.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để triển khai thí điểm Mobile Money thì Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan liên quan phải có quy định pháp lý quản lý, giám sát chặt chẽ trước mọi nguy cơ có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần phổ biến hình thức Mobile Money đến mọi vùng miền trong cả nước để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ nhằm phát huy được tính ưu việt của nó.
Quy trình của việc triển khai dịch vụ này sẽ được tiến hành sau khi Thủ tướng phê duyệt thì doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi đề án về đầu mối quản lý, sau khi được cấp phép thì mới triển khai được dịch vụ Mobile Money.
Để Mobile Money đi vào hoạt động, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp viễn thông cần khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện việc thẩm định nội dung liên quan đến các vấn đề quản lý. Nếu hồ sơ xin cấp phép của các nhà mạng được chuẩn bị có chất lượng và các điều kiện được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì dịch vụ Mobile Money sẽ sớm được triển khai."
Lo ngại rủi ro
Các chuyên gia cho rằng mặc dù Mobile Money có nhiều ưu điểm nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: Dữ liệu có thể thiếu chính xác (nhiều sim rác), bảo mật dữ liệu khách hàng của nhà mạng kém hơn ngân hàng, khó kiểm soát hoạt động của các đại lý, nguy cơ mất tiền của khách hàng cao hơn ngân hàng…
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo vệ tiền trong tài khoản của người dân cũng như chống gian lận, theo các chuyên gia Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan cần thận trọng đưa ra hành lang pháp lý trước khi cấp phép mobile money.
Cũng có ý kiến cho rằng, với việc cả nước có khoảng 124,8 triệu thuê bao di động, nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng, thì dòng tiền chảy qua Mobile Money có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng/tháng.
“Với số tiền có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong tương lai, có nguy cơ các công ty sẽ đem số tiền đó đi đầu tư vào một tài sản nào đó. Và, trong quá trình đầu tư, nếu không may đầu tư vào các khoản rủi ro gây mất tiền, khi đó chắc chắn tiền sẽ không thể trở lại tài khoản nữa,” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lo ngại.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan cần phải có những công cụ, cơ chế để bảo đảm tiền người dân đóng vào các công ty viễn thông được sử dụng đúng mục đích.
Bên cạnh đó có thể xảy ra nguy cơ rửa tiền, lưu thông tiền phạm pháp khi việc định danh tài khoản Mobile Money chỉ cần thông qua tài khoản viễn thông mà không cần phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Vì thế, rủi ro có thể đến từ vấn đề kỹ thuật công nghệ, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin chưa đáp ứng được thật tốt các điều kiện an toàn, bảo mật, gây lộ thông tin khách hàng, mất tiền trên tài khoản Mobile Money của khách hàng…
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng nhà nước, để mở tài khoản Mobile Money, khách hàng phải cung cấp chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực.
Ngoài ra, các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Noney. Mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại 1 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ.
“Đơn cử 1 cá nhân có 2 số điện thoại tại Viettel thì chỉ được mở một tài khoản Mobile Money mà thôi,’’ ông Dũng cho biết.
Trả lời câu hỏi nếu đề án này đi vào cuộc sống liệu có ảnh hưởng đến các ngân hàng truyền thống hay không, ông Hiếu cho rằng không ảnh hưởng vì nếu nền kinh tế đi vào phi tiền mặt thì sẽ tốt, thậm chí còn hỗ trợ cho ngành ngân hàng. Mặc dù số tiền gửi của khách hàng có thể sẽ đi vào kênh khác mà không nằm ở ngân hàng nhưng số đó không nhiều. Bên cạnh đó, đây chỉ là trong khía cạnh thanh toán, còn ngân hàng truyền thống có nhiều dịch vụ khác như huy động, cho vay.../.