Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa
Đại biểu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, Công an thành phố Hà Nội đang hằng ngày, hằng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng từ nhiều năm nay gây lãng phí...
Sáng 30/10, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Thí điểm thực hiện không quá 3 năm
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự cho biết, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra, nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa…
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3) bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.
Cụ thể gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Đồng thời, cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thí điểm áp dụng từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện không quá 3 năm.
Cần thiết ban hành Nghị quyết
Thảo luận tại tổ sau đó, đại biểu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết. Hiện, Công an thành phố Hà Nội đang hằng ngày, hằng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng từ nhiều năm nay gây lãng phí.
Thứ nhất là lãng phí chính giá trị tài sản của vật chứng. Có những tài sản để lâu quá, mất giá trị, chủ phương tiện không thèm để ý đến, coi như bỏ đi. Trong khi đó, thanh lý không thanh lý được, hủy không hủy được, phải giữ rất lãng phí.
Lãng phí thứ hai là phải có kho vật chứng lớn. Công an Thành phố phải có kho vật chứng chung, các quận huyện phải có kho vật chứng của Cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Nhưng lấy đâu ra đất để xây dựng kho vật chứng theo quy chuẩn? Hơn nữa, trong chương trình cải cách tư pháp, Thành phố phải có kho vật chứng cả về hình sự, dân sự nhưng chưa có kho hoặc có nhưng không đáp ứng về diện tích, tiêu chuẩn.
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng chỉ ra điểm lãng phí thứ ba là phải bố trí người trông coi kho vật chứng. Theo quy định, việc quản lý trông coi là cơ quan Công an, xử lý tài sản lại là Tòa án.
“Mới đây, chúng tôi đã nhận mấy chục tấn đất hiếm trong 1 vụ án nhưng phải xây nhà tạm để lưu giữ. Dù là nhà tạm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, tránh thất thoát mất mát. Trong khi đó, để trông coi không chỉ 1, 2 người. Nếu đối chiếu với quy định mới nhất, đây là vấn đề rất vướng mắc, rất bất cập, rất khó khăn, bức xúc”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.
Vì vậy, Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự là rất cần thiết. Tuy vậy, theo tờ trình và dự thảo Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết còn quá hẹp, chỉ áp dụng với một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo nên chưa đại diện được hết các vụ việc để rút ra cái chung.
Theo ông Trung, sau khi triển khai thí điểm Nghị quyết phải tính toán mở rộng phạm vi điều chỉnh thậm chí phải ban hành luật. Hơn nữa, thời gian thí điểm 3 năm quá lâu, đã coi là điểm nghẽn thì phải khẩn trương giải quyết, tháo gỡ theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và Quốc hội.
Quy định hiện hành vô cùng bất cập
Cùng góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) đề nghị làm rõ hơn các tình huống cụ thể mà tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh để tránh nhầm lẫn với các quy định trong Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt, đề nghị nêu chi tiết về loại tài sản nào không thuộ̣c phạm vi áp dụng để giúp cho các cơ quan có liên quan xác định rõ thẩm quyền.
Đại biểu đoàn Trà Vinh cũng đề nghị cần nhấn mạnh nguyên tắc xử lý nhanh chóng nhằm đảm bảo để lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Đồng thời, cần bổ sung thêm chi tiết về các cơ chế kiểm soát, như biện pháp kiểm tra định kỳ, báo cáo công khai để đảm bảo việc xử lý, giải chính tài sản đúng quy định...
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian qua có trường hợp Giám đốc Bệnh viện bị bắt giam, máy móc, thiết bị liên quan gần như bị đóng băng, song nhu cầu cần dùng lớn. Đại biểu đã chứng kiến nhiều bãi gỗ lớn là tang vật vụ án bị mục nát, nhiều phương tiện vi phạm bị thu giữ, máy móc bị thu giữ bị hư hỏng nặng...
Vì vậy, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng việc ban hành Nghị quyết về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự là cấp thiết, nhưng vấn đề là làm sao tổ chức thực hiện cho tốt...
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn thành phố Hà Nội) nhận định, Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự nên được ban hành sớm hơn, bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại.
Theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên, tài sản. Song cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là do Tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1-2 năm, gây hư hỏng vật chứng…
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng, nếu chỉ thí điểm trong các vụ án tham nhũng thì chưa đầy đủ, tròn trịa. Do vậy, không nên chỉ giới hạn ở tội phạm tham nhũng mà nên áp dụng ở tất cả các vụ án, đặc biệt là ở chương tội phạm về sở hữu.