Thi đua, khen thưởng trong ngành Giáo dục hướng đến hiệu ứng tốt hơn

Mục tiêu công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) là lan tỏa việc làm hay, mô hình tốt của tập thể, cá nhân để đạt hiệu ứng tích cực.

Cán bộ Văn phòng Sở GDĐT Lâm Đồng nhận giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT năm học 2021-2022

Cán bộ Văn phòng Sở GDĐT Lâm Đồng nhận giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT năm học 2021-2022

CÂN ĐỐI HỢP LÝ ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG

Năm học 2021 - 2022, đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên và người lao động ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng tiếp tục phát huy Phong trào “Hai tốt” đạt được những thành tích mới. Ghi nhận Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2021 - 2025, tháng 11/2022, Sở GDĐT đã tặng giấy khen của Giám đốc sở cho 124 cá nhân trong ngành đạt thành tích xuất sắc. Từ phong trào này, giáo dục Lâm Đồng đã có 46 tập thể, 125 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) ngành GDĐT Lâm Đồng được Bộ GDĐT tôn vinh 5 cá nhân nhà giáo, CBQL giáo dục tiêu biểu năm 2022. Kết thúc năm học 2021 - 2022, toàn ngành có 190 tập thể lao động xuất sắc, 36 tập thể nhận cờ thi đua của UBND tỉnh, 5 tập thể nhận cờ thi đua của Chính phủ, 6 tập thể nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 33 tập thể nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT, 45 tập thể nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 227 tập thể nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thành phố và 3 tập thể nhận giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT. Bên cạnh đó, có 4.903 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cơ sở, 66 cá nhân Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 7 cá nhân nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 79 cá nhân nhận bằng khen Bộ trưởng Bộ GDĐT, 265 cá nhân nhận bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh...

Đối với việc khen thưởng ở cấp Bộ GDĐT, tỉnh Lâm Đồng thuộc Cụm thi đua số 3, gồm 10 tỉnh (Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên). Báo cáo của Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ GDĐT) mới đây cho biết, về Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT đối với tỉnh Lâm Đồng như sau: Năm học 2019-2020, có 11 tập thể, 31 cá nhân (trong đó 13 CBQL); năm học 2020-2021, có 14 tập thể, 46 cá nhân (25 CBQL) và năm 2021-2022 có 32 tập thể, 79 cá nhân (46 CBQL). So sánh mặt bằng chung toàn ngành và trong từng địa phương, lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng thẳng thắn cho rằng một số Sở GDĐT còn đề nghị tặng bằng khen cho CBQL quá nhiều, trong đó có tỉnh Lâm Đồng và 13 sở khác. Cùng với đó, việc khen thưởng các tập thể và cá nhân cấp trung học phổ thông nhiều hơn bậc học mầm non và cấp tiểu học cũng được cơ quan chuyên trách Bộ GDĐT nêu lên.

Một hạn chế nữa trong công tác TĐKT của ngành GDĐT mà lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng đánh giá “Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân còn viết dài nhưng thiếu thông tin cần thiết; chỉ liệt kê công việc chuyên môn hàng ngày, chưa nêu rõ được thành tích xuất sắc, tiêu biểu; báo cáo thành tích của nhiều năm (có những báo cáo kê khai kết quả đến hàng chục năm). Khen phong trào thi đua nên tập trung vào thành tích nổi bật của 1 hoặc 2 năm học theo quy định của từng sở. Đối với CBQL, chưa nêu bật được thành tích trong công tác lãnh đạo, quản lý (chủ yếu là kê khai công việc được giao)”.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Tại Hội nghị công tác TĐKT của ngành GDĐT tổ chức ở Đà Lạt, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh lưu ý, công tác TĐKT triển khai ở cơ sở rất quan trọng để tạo lan tỏa tích cực, nhưng đây là vấn đề rất nhạy cảm, do đó các cơ sở cần thận trọng trong thẩm định và đây cũng là “đổi mới”, “sáng tạo”. Cán bộ phụ trách công tác TĐKT ở cấp sở, cấp phòng cần được tập huấn kỹ lưỡng, nâng cao năng lực trong thực thi. Việc chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong công tác TĐKT cần phát huy tích cực.

Tháng 11 vừa qua, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn công tác TĐKT khối các Sở GDĐT tiếp tục triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” với sự điều chỉnh thời gian hoàn thành một số nhiệm vụ. Tiêu chí thi đua theo 16 lĩnh vực công tác (17 lĩnh vực công tác đối với các Sở GDĐT có công tác giáo dục dân tộc). Có 3 đơn vị điều chỉnh nhỏ, gồm: lĩnh vực giáo dục mầm non, bỏ tiêu chí về định hướng phổ cập trẻ mẫu giáo và giảm 10 điểm ở tiêu chí này; bổ sung tiêu chí về bồi dưỡng CBQL, giáo viên mầm non để nâng cao năng lực chuyên môn và điểm đánh giá là 10 điểm cho tiêu chí này; tiêu chí đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên môn giảm 5 điểm và tiêu chí về đổi mới công tác quản lý tổ chức và hoạt động; thiết lập hệ thống hồ sơ sổ sách... tăng 5 điểm. Về lĩnh vực kế hoạch - tài chính, chỉnh sửa minh chứng chi tiết hơn. Về lĩnh vực công nghệ thông tin, minh chứng báo cáo về số lượng, tỷ lệ phần trăm các trường đã triển khai.

Và quan trọng như sự đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nêu lên trong tổng kết năm học 2021 - 2022 là từ những cá nhân, tập thể được tuyên dương khen thưởng cần nhân rộng trong toàn ngành để thực sự có hiệu ứng tích cực. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã gửi gắm tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: “Tôi mong muốn và tin tưởng rằng đội ngũ các nhà giáo, CBQL giáo dục và người lao động trong toàn ngành GDĐT của tỉnh sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với nghề, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn hạn chế, đoàn kết đồng lòng, chủ động đổi mới và sáng tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang của nghề dạy học, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và lòng mong mỏi của nhân dân”.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202212/thi-dua-khen-thuong-trong-nganh-giao-duc-huong-den-hieu-ung-tot-hon-3150387/