Thi đua sáng kiến, cống hiến tài năng

Thực hiện Cuộc vận động 'Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ' (gọi tắt là CVĐ), phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật ở Tổng công ty (TCT) 28, Tổng cục Hậu cần có sức lan tỏa mạnh mẽ; xuất hiện nhiều mô hình, đề tài, sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả thiết thực.

 Công nhân Tổng công ty 28 ứng dụng sáng kiến trong hội thi chuyên môn giỏi.

Công nhân Tổng công ty 28 ứng dụng sáng kiến trong hội thi chuyên môn giỏi.

Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch TCT cho biết: “Với đặc thù nhiệm vụ của doanh nghiệp quân đội có đông người lao động, làm việc trong nhiều lĩnh vực, ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện CVĐ, Đảng ủy, Ban tổng giám đốc TCT đã chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào từng công đoạn, dây chuyền hoạt động chuyên môn. Theo đó, TCT đã phát động thi đua “cống hiến tài năng” bằng những hành động, việc làm cụ thể”. Với sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, kết hợp hài hòa giữa giáo dục, tuyên truyền và khích lệ cán bộ, nhân viên, người lao động phát huy tinh thần sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, CVĐ đã làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của đơn vị. Từ năm 2014 đến nay, TCT đã thực hiện hơn 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị, nâng cao hiệu quả công tác, tăng thu nhập cho người lao động.

Trực tiếp xuống cơ sở sản xuất, chúng tôi được chứng kiến công nhân ứng dụng sáng kiến “Kiểm soát chiều dài loạt mắc, máy mắc đồng loạt” vào quy trình dệt may. Nếu như trước kia, máy kiểm soát và đo chiều dài thông qua bộ Encoder được lắp trên trục ép, có những thời điểm trên cùng loạt mắc bị thiếu chiều dài thì nay chỉ cần lắp thêm một bộ đếm số mét Encoder Rotory 1000pulse/m trên bề mặt trục ép, hoạt động song song với bộ đếm của máy là khắc phục được sai sót kỹ thuật, kiểm soát được loạt mắc mà không ảnh hưởng đến kết cấu của máy. Theo anh Tô Bửu Lộc, tác giả của sáng kiến, từ thực tế làm việc, anh đã nghiên cứu, thử nghiệm và cải tiến kỹ thuật trong vận hành máy móc, bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn và giảm tổn thất nguyên liệu sợi. Sáng kiến này làm lợi cho TCT cả về kinh tế và mức độ an toàn sản phẩm, khắc phục được những hạn chế từ cách sản xuất thông thường. Hay, sáng kiến “Cải tiến gối đỡ trục căng sợi máy nối Todo” của tác giả Đoàn Trường Sơn cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tế cần cải tạo hai gối đỡ trên giàn máy để khắc phục tình trạng mòn trục, tăng độ bền, đáp ứng nhanh cho sản xuất…

Ngoài ra, tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn TCT đã tích cực “cống hiến tài năng” thông qua những mô hình xung kích chuyển đổi chuyền sản xuất mới; thực hiện mô hình tuyển dụng 1+1 (một đoàn viên, thanh niên kèm một công nhân mới), vừa trực tiếp tuyển dụng, vừa đào tạo kèm cặp, có tổ thanh niên kèm cặp thêm 30 công nhân mới; mô hình “Mỗi đoàn viên, thanh niên là một KCS” nhằm nâng cao trách nhiệm trong thực hiện vệ sinh công nghiệp của mỗi cá nhân, bảo đảm an toàn lao động; mô hình “Chuyền sản xuất tinh gọn” vận hành nhịp nhàng, thông suốt; sáng kiến “Điều chỉnh nhiệt đầu vào cho máy sấy” của Xí nghiệp Dệt nhằm ổn định chất lượng sản phẩm, thay đổi quy trình đem lại hiệu quả trong sản xuất vải phục vụ xuất khẩu…

Theo Thượng tá Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc TCT 28: Để CVĐ đi vào chiều sâu, Đảng ủy, chỉ huy TCT đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ nhiều giải pháp, khơi dậy sức trẻ và tinh thần tự giác sáng tạo của mọi cán bộ, công nhân viên và người lao động cống hiến vì tập thể, nâng cao chất lượng Phong trào Thi đua Quyết thắng góp phần xây dựng TCT 28 vững mạnh toàn diện và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: THÀNH THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thi-dua-sang-kien-cong-hien-tai-nang-614661