Thi đua yêu nước là sự nghiệp của quần chúng

Lời kêu gọi về lòng yêu nước, tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hiệu triệu, thôi thúc hàng triệu trái tim người dân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, đứng lên bảo vệ nền độc lập của dân tộc, kiến thiết đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc ta phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 1- 6/5/1952. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 1- 6/5/1952. Ảnh tư liệu

Lời kêu gọi thể hiện những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức tổ chức và động viên lực lượng quần chúng tham gia phong trào cách mạng. Đó là quan điểm về vai trò quyết định của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, về đoàn kết toàn dân, về thực hiện những nhiệm vụ cụ thể trước mắt và nhiệm vụ chiến lược lâu dài... Bằng bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn xa, Người đã lấy chủ nghĩa yêu nước làm trọng tâm để xây dựng khối đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam, dù khác biệt về địa vị, dân tộc, tôn giáo, già trẻ, gái trai; dù ở trong nước hay ở nước ngoài. 72 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hành, phát triển và là một nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành một phương thức lãnh đạo hết sức sáng tạo, độc đáo của Đảng ta.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng, động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Lời kêu gọi có tác dụng hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thi đua yêu nước nhằm phát huy tài năng, sáng tạo

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là sự nghiệp tự giác của hàng triệu quần chúng. Phong trào thi đua yêu nước là một biện pháp nhằm cổ vũ, thổi bùng phong trào tự giác cách mạng, phát huy tài năng, sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của quần chúng; phát huy nhân tố con người để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước.

Phong trào thi đua yêu nước khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước. Mỗi người đều phải có trách nhiệm tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát huy mọi nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đem tài năng, trí tuệ, sức lực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thi đua là quyền lợi của mỗi người dân yêu nước, là môi trường tốt để mọi người tôi luyện, trưởng thành. Trong phong trào thi đua, quyền làm chủ, sự năng động và sáng tạo của mỗi người được phát huy, mọi người đều được bình đẳng trong cống hiến và trong hưởng thụ, được tập thể tôn trọng. Mỗi sáng kiến mới, việc làm tốt đều được xã hội trân trọng tôn vinh. Thông qua các phong trào thi đua, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển; đời sống mỗi người được nâng lên cùng với sự phát triển của đất nước.

Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua

Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi. Những điển hình tiên tiến xuất hiện trong các phong trào thi đua yêu nước không phải biểu hiện chỉ ở những thành tích cá nhân. Vượt lên chính bản thân mình, họ là những tấm gương “vì nước, vì dân” - phẩm chất ưu tú được hình thành từ sự giáo dục tư tưởng của Đảng, từ niềm tin vào lý tưởng cách mạng, từ sự giúp đỡ của tập thể, rèn luyện của công việc và chỉ bảo, dạy dỗ của Nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có Nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng”.

Phong trào thi đua không phải chỉ cốt lấy thành tích, mang tính hình thức, mà phải tiến hành liên tục, lâu dài, hướng tới lợi ích thiết thực. Bởi vậy, “công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, thi đua không nhất thiết phải đưa ra những mục tiêu to lớn, cao siêu, càng không phải là việc cao hứng nhất thời; thi đua chính là việc mỗi người nỗ lực làm tốt hơn công việc hằng ngày của chính mình.

Thi đua còn là một phương cách tốt để mọi người giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để quần chúng Nhân dân hăng hái tham gia vào đời sống thực tiễn, tôi luyện và trưởng thành. Thi đua xã hội chủ nghĩa giúp cải tạo con người, nhằm xây dựng những nhân tố tiên tiến, nâng đỡ những người kém cỏi, làm cho mọi người giỏi hơn, tốt đẹp hơn. Như thế, “thi đua không phải là tranh đua” mà là việc “người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.

Hoài Anh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-dak-nong-lan-thu-iv/thi-dua-yeu-nuoc-la-su-nghiep-cua-quan-chung-82204.html