Thi hành án dân sự vẫn còn vụ việc kéo dài

Theo đánh giá của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, mặc dù kết quả THADS năm 2024 của đơn vị đã đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp, Tổng Cục THADS giao, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vụ việc kéo dài, chưa được thi hành dứt điểm.

Năm 2024, Cục THADS tỉnh đã thi hành xong 15.100 việc, đạt 84,01% (tăng 2,15% so với cùng kỳ năm 2023), vượt 0,76% so với chỉ tiêu Tổng Cục THADS giao; về tiền, đã thi hành xong đạt 59,64% (tăng 9,68% so với cùng kỳ năm 2023), vượt 13,09% so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp và Tổng Cục THADS giao. Về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, Cục THADS tỉnh đã thi hành xong 8/12 việc có điều kiện thi hành án (THA), đạt 67%.

Thực tế cho thấy, số lượng án thụ lý quá nhiều, năm sau luôn cao hơn năm trước, đã và đang là thách thức lớn đối với công tác THA tại địa phương. (Ảnh minh họa: Một phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh).

Thực tế cho thấy, số lượng án thụ lý quá nhiều, năm sau luôn cao hơn năm trước, đã và đang là thách thức lớn đối với công tác THA tại địa phương. (Ảnh minh họa: Một phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh).

Ông Trần Ðình Trường, Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: "Thời gian qua, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo việc tổ chức THA đối với các đơn vị có nhiều hồ sơ THA, án phức tạp. Những đơn vị có hạn chế, thường xuyên báo cáo khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, từ đó có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tham mưu cho ban chỉ đạo THADS cùng cấp; duy trì và phát huy công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức THA. Thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ cho các chi cục THADS, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị (đặc biệt là các vụ việc khó thi hành, án tuyên không rõ, án có giá trị lớn, án có tính chất phức tạp...)".

Ông Trường cũng nhìn nhận, mặc dù kết quả THADS năm 2024 của Cục THADS tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vụ việc kéo dài, chưa được thi hành dứt điểm. Các cơ quan THA trong tỉnh đã thấy rõ và có những giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Phân tích nguyên nhân, ông Trường cho rằng, chủ yếu là do số lượng án thụ lý quá nhiều, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân 3 năm gần đây mỗi năm thụ lý trên 25 ngàn việc, với số tiền gần 8 ngàn tỷ đồng (đứng thứ 7, thứ 8 toàn quốc).

Cụ thể, năm 2024 thụ lý 28.837 việc, với số tiền trên 8 ngàn tỷ đồng, trong khi đó biên chế được giao chỉ có 133 người, với 63 chấp hành viên, có 38 chấp hành viên là lãnh đạo các đơn vị. Bình quân 1 chấp hành viên phải giải quyết gần 445 việc/năm, cao gần 2 lần bình quân chung cả nước. Lượng việc, tiền thụ lý của Cà Mau đứng thứ 7, 8 so với toàn quốc, nhưng biên chế giao đứng thứ 35 so với 63 tỉnh/thành. Ðây là áp lực rất lớn đối với các chấp hành viên và các cơ quan THADS trong tỉnh.

Mặt khác, việc THA liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn, tài sản kê biên để đảm bảo THA bán đấu giá nhiều lần không có người mua. Hồ sơ THA cho các công ty tài chính, công ty mua bán nợ ngày càng nhiều, việc xác minh phân loại hồ sơ THA gặp nhiều khó khăn, do thông tin không đầy đủ, không rõ ràng; một số vụ việc chính quyền địa phương không đồng thuận với các phán quyết của trọng tài.

Ông Trường cho biết: "Thực tế đã qua cho thấy, công tác THADS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng các vụ việc tranh chấp kinh tế, dân sự có xu hướng ngày càng tăng, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn. Cùng với đó, tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm THA thường phức tạp, nhiều trường hợp chưa được xác định rõ, đến giai đoạn THA có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh phải xác minh, làm rõ, giải quyết trước khi xử lý; nhiều tài sản xử lý là dự án hiện chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đầu tư và đất đai theo quy định...".

Ðể tiếp tục nâng chất hoạt động THADS tại địa phương, theo Cục THADS tỉnh, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS, thi hành án hành chính (THAHC) để các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác THADS, THAHC. Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, giải thích, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội và Nhân dân đối với công tác THADS, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, phải cưỡng chế THA.

Nâng cao hiệu quả hoạt động ban chỉ đạo THADS gắn với tăng cường quản lý Nhà nước về THADS trên địa bàn; kịp thời chỉ đạo, cho ý kiến giải quyết những vụ việc THA lớn, phức tạp, kéo dài trên địa bàn, bảo đảm yêu cầu ổn định chính trị, xã hội, nhất là ở thời điểm cưỡng chế. Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác của các ngành, thành viên ban chỉ đạo THADS các cấp và các cơ quan khối nội chính trong THADS, THAHC.

Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp, cùng với việc tăng cường lãnh đạo, phải coi công tác THADS là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; định kỳ hoặc đột xuất thường trực cấp ủy nghe cơ quan THA báo cáo tình hình công tác THADS để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS, tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong tổ chức cưỡng chế THA, nhất là các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; thường xuyên báo cáo với cấp ủy, UBND, trưởng ban chỉ đạo THADS cùng cấp và trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tháo gỡ những phát sinh trong THA và để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn tránh, cản trở, chống đối việc THA...

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thi-hanh-an-dan-su-van-con-vu-viec-keo-dai-a35340.html