Thi tốt nghiệp THPT 2022: Có cần thay đổi quy trình làm đề thi?

Từ vụ đề thi tốt nghiệp THPT môn sinh học năm 2021 được phát hiện giống đến hơn 90% đề ôn tập của một thầy giáo, yêu cầu cấp thiết được đặt ra là phải xem xét, thay đổi quy trình làm đề thi ra sao để kỳ thi 2022 và những năm tiếp theo không xảy ra những sự cố trùng lặp 'phi thực tế' như vậy.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng chậm trễ

Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 kết thúc, thầy giáo Đinh Đức Hiền (giáo viên Hệ thống Giáo dục HOC MAI) đã có những nghi vấn về sự trùng hợp giữa nội dung đề thi môn Sinh học và các video tổng ôn tập của ông Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh). Cá nhân thầy Hiền tự so sánh đã thấy sự giống nhau lên đến 80%. Từ đó, thầy Hiền đã gửi thư cùng các bằng chứng so sánh đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đề nghị làm rõ. Đến tháng 11/2021, thầy Hiền tiếp tục gửi thư tố cáo tới đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ.

Ngày 23/12, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ cho biết đã nắm bắt các thông tin, ý kiến và “ghi nhận yếu tố không bình thường” giữa nội dung luyện thi của ông Nghệ và đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học năm 2021.

Tuy nhiên, trên thực tế ngay từ ngày 4/8, Bộ GDĐT đã ra Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT về việc thành lập tổ công tác liên ngành xác minh sự việc.

Biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ GDĐT, Bộ Công an nêu rõ dựa trên các tư liệu là 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 4 đề duyệt chốt bởi hội đồng ra đề thi, bản pdf đề Vip40 được ông Phan Khắc Nghệ dạy cho học sinh, 3 video live và các tệp được ông Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My - Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh học, ông Bùi Văn Sâm - thành viên Tổ thẩm định, các tệp bà Phạm Thị My gửi ông Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015-2018 và 2021…, tổ chuyên gia đã chỉ ra nhiều điểm bất thường.

Theo đó, khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ có sự trùng lặp rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỷ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ…

Đây là một tỷ lệ chưa từng có và về mặt khoa học là “không thể có” khi các đề thi được rút ngẫu nhiên trên máy tính. Nhưng đã xảy ra khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nhưng đã 4 tháng trôi qua, Bộ GDĐT và các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời chính thức về thông tin đã phản ánh trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang cận kề. Nhiều ý kiến lo lắng, đặt câu hỏi về quy trình ra đề thi sắp tới sẽ ra sao để bảo mật, khách quan, công bằng với tất cả các thí sinh.

Vá lỗ hổng bảo mật thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên tiếp tục tổ chức hay không. Nhưng trước mắt, khi tổ chức thì tính bảo mật của đề thi, công tác tổ chức thi đảm bảo khách quan, công bằng vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

“Chúng ta đã có bài học về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 với vụ việc gian lận ở 3 tỉnh gây rúng động dư luận. Năm 2021, kỳ thi lại tiếp tục có những điểm không bình thường được phát hiện nhưng chậm trễ trong xử lý, minh bạch thông tin. Trong khi năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản vẫn giữ nguyên như năm 2021, dư luận cần sớm có câu trả lời cũng như những giải pháp rõ ràng và triệt để chấm dứt tình trạng đề thi giống, na ná đề cương ôn tập với xác suất lên tới 90% như vừa qua” - ông Dong nói.

TS Phạm Văn Lập, Chủ biên Sách giáo khoa Sinh học lớp 10 và 12 hiện hành, từng có nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Sinh học và là một trong các thành viên tổ chuyên gia thẩm định đề xuất: Rất cần xem lại về công tác ra đề thi. Theo quy chế thi của Bộ GDĐT, phần mềm máy tính sẽ rút các câu hỏi một cách ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi vốn được xây dựng trong nhiều năm, với số câu hỏi đồ sộ do đội ngũ chuyên gia, giáo viên ra đề với số lượng lớn thì việc đoán trúng 37/40 câu là việc không thể xảy ra tự nhiên.

Nhiều chuyên gia cũng phân tích với đề thi trắc nghiệm được làm đúng quy trình, tỷ lệ “trúng đề” nhiều nhất cũng chỉ khoảng 5-10%. Đối với những môn có ít sự phát triển ý tưởng trong đề thi hơn như Lịch sử, Địa lí, Sinh học thì có thể cao hơn chút nhưng cũng chỉ dưới 30%. Vì vậy, xác suất trúng tới hơn 90% là không thể chấp nhận với bất kỳ kỳ thi nào, đặc biệt là trong một kỳ thi mang tính chất quan trọng như thi tốt nghiệp THPT.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, đây mới chỉ là môn Sinh học, dư luận có quyền đặt câu hỏi, còn các môn khác thì thế nào? Các môn Toán, Vật lý, Hóa học có bất thường không? “Bộ GDĐT cần mở rộng thanh tra, kiểm tra để làm trong sạch ngành mình, tạo niềm tin cho nhân dân” - bà Thúy nói.

Về quy trình ra đề thi, một chuyên gia giáo dục kiến nghị, đối với đề thi cần phải trải qua các vòng phản biện độc lập, với các chuyên gia, giáo viên độc lập. Riêng ban ra đề thi phải độc lập với nhóm thẩm định và nhóm xây dựng ngân hàng câu hỏi và nên thay đổi hàng năm. Không nên để tình trạng có một số thành viên cốt cán tham gia liên tục ban ra đề thi trong nhiều năm...

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2022-co-can-thay-doi-quy-trinh-lam-de-thi-5676572.html