Thị trấn cây trái dưới chân đèo

Cứ mỗi bận rong ruổi trên Quốc lộ 20, lần nào cũng vậy, tôi lại dừng chân ở thị trấn Đạ M'Ri, Đạ Huoai. Chẳng phải bởi sức hút gì đó toát ra từ bản thân thị trấn chất chứa một 'căn cước văn hóa' ấn tượng mà chỉ đơn giản mỗi độ ngang qua lại thấy sự đổi thay của thị trấn cây trái dưới chân đèo Bảo Lộc.

Có lẽ cái ngày 1/3 vừa qua là một ngày đặc biệt đối với thị trấn Đạ M’Ri. Đấy là khi xã Đạ M’Ri về “chung một nhà” với thị trấn theo tinh thần sáp nhập mà nghị quyết của Quốc hội đã phê chuẩn, ban hành. Cuộc sáp nhập này mang đến cho thị trấn dưới chân đèo quy mô dân số lớn hơn, chiều kích không gian rộng mở thêm, tương xứng với một đô thị loại V trong chuỗi hệ thống đô thị của tỉnh.

Thị trấn Đạ M’Ri có gần 800 ha sầu riêng chuyên canh.

Thị trấn Đạ M’Ri có gần 800 ha sầu riêng chuyên canh.

Thơm tho cây trái

Xứ sở Đạ Huoai nổi tiếng là vùng trọng điểm cây trái của tỉnh từ xưa đến nay. Và nói đến cây trái nơi này không thể bỏ qua địa danh Hà Lâm, Đạ M’Ri. Nói thế cũng có nghĩa đã chỉ ra một phần đời sống cư dân cầm nắm trong tay “sổ đỏ” của nền sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây trái.

Nhẩm tính, 1.300 ha đất nông nghiệp của thị trấn trước đây, sáp nhập thêm 1.100 ha của xã Đạ M’Ri vào thành ra tổng cộng hiện có 2.300 ha mà phần lớn trồng các loại cây lâu năm, trong đó cây ăn quả gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Báo cáo của Đảng bộ thị trấn chỉ ra rằng: Trong 5 năm qua, cùng với “thay đổi tư duy sản xuất” của người dân, thị trấn đã có nhiều giải pháp cụ thể, tập trung vận động người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây trồng có thế lợi ở địa phương. Qua đó, đã chuyển đổi 552 ha sang trồng điều ghép, sầu riêng ghép, măng cụt, mít cao sản…Và cho đến nay có khoảng 836 ha được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất chuyên canh mà trong đó nhóm cây trồng chủ lực như sầu riêng đã đạt 769 ha.

Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’Ri Đặng Văn Chinh chia sẻ: Mấy năm qua, vùng trái cây của thị trấn “được mùa, được giá”. Vì vậy, bình quân thu nhập trên 1 đơn vị diện tích của địa phương đạt 78,5 triệu đồng/ha vào năm 2020. Nếu xét về cây ăn quả có lẽ thị trấn chỉ đứng sau xã Hà Lâm trong huyện Đạ Huoai.

Một góc thị trấn Đạ M’Ri. Ảnh: Phạm Nguyên

Một góc thị trấn Đạ M’Ri. Ảnh: Phạm Nguyên

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng cao

Nhìn nhận trong 5 năm qua, từ năm 2015 - 2020, Đảng bộ thị trấn Đạ M’Ri đánh giá: Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn đề ra. Các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm được tổ chức thực hiện và đem lại hiệu quả tích cực, các chương trình mục tiêu quốc gia đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị và đô thị loại V. Điểm qua một vài số liệu để thấy, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn thị trấn đạt bình quân 8,8%/năm; trong đó, sản xuất nông lâm chiếm tỷ lệ 21,1%, khu vực công nghiệp - xây dựng 55,4% và khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 23,4% trong cơ cấu kinh tế thị trấn.

Với một thị trấn khi mà nông nghiệp chiếm diện tích sản xuất lớn nhưng tỷ lệ đóng góp vào giá trị sản xuất chung chiếm thấp cho thấy mức độ phát triển, mở rộng khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại ra sao. Với lĩnh vực thương mại, tính đến nay trên địa bàn thị trấn có 11 doanh nghiệp, 460 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại mà nổi bật là các dịch vụ phục vụ du lịch và vận tải. Mỗi năm lĩnh vực này đều mang lại mức tăng trưởng cao, ước tính năm 2020 đạt mức 133 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,8% cơ cấu kinh tế của thị trấn. Song có lẽ nổi bật nhất vẫn là khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Theo định hướng phát triển của thị trấn, tập trung phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nghề đan giỏ mây, giỏ nhựa, chế biến nông sản… nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Dự báo ước thực hiện năm 2020, giá trị ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thị trấn đạt 314 tỷ đồng, chiếm 55,4% trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Với những bước phát triển đều trên các lĩnh vực, bình quân mỗi năm thị trấn đóng góp vào ngân sách trên 10 tỷ đồng và bình quân trong 5 năm qua ước đạt 61,9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người gia tăng, đạt 44,5 triệu đồng, tăng 11,7 triệu đồng so với năm 2015. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm xuống còn 0,45% và không có gia đình chính sách là hộ nghèo. Mặt khác, có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ lao động qua đào tạo 36,2%, tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế 75%; 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc qua, mỗi năm có trên 94% hộ gia đình văn hóa và 100% thôn, tổ dân phố giữ vững danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa…

Chủ tịch Đặng Văn Chinh cho hay: Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mà trọng tâm phát triển cây trồng chủ lực, hình thành vùng sản xuất cây trái chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bên cạnh đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển sát với thực tế của địa phương, thương mại - dịch vụ phát triển ổn định mới tạo cho thị trấn có bước phát triển theo hướng bền vững. Cùng với đó là hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, chỉ riêng đường giao thông nội thị đã được bê tông hóa 100% các tuyến đường trục chính, đường nhánh đã làm cho bộ mặt thị trấn ngày một khang trang hơn.

Được biết, qua tổng điều tra dân số gần đây, hiện thị trấn có 5.336 người, đã bao gồm dân số xã Đạ M’Ri mới vừa sáp nhập. Với mức gia tăng nền sản xuất, quy mô dân số lớn hơn và nhất là hạ tầng đô thị đồng bộ, thị trấn Đạ M’Ri sẽ trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc của huyện Đạ Huoai trong tương lai gần.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/thi-tran-cay-trai-duoi-chan-deo-2993852/