Thị trấn nhỏ bên sông Dong

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi nghỉ ngơi tại một quán cà phê nhỏ nằm ở trung tâm thị trấn Đình Cả (Võ Nhai). Nắng ngày hè như đổ lửa, gay gắt và oi nồng. Trên Quốc lộ 1B thỉnh thoảng có xe ô tô chạy qua, còn gần như vắng bóng người qua lại. Các hàng quán cũng lác đác người, thị trấn bình yên, nhỏ nhắn, đẹp nhưng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng.

Khu trung tâm thị trấn Đình Cả (Võ Nhai).

Khu trung tâm thị trấn Đình Cả (Võ Nhai).

Đúng như những gì chúng tôi cảm nhận, thị trấn Đình Cả không có nhà máy, xí nghiệp, công ty lớn… đóng chân trên địa bàn. Với tổng diện tích hơn 1.000ha, số dân khoảng 4.000 người nhưng đất canh tác chỉ hơn 200ha nên các hộ dân chủ yếu sống bằng phát triển kinh doanh, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp nhưng còn nhỏ lẻ.

Chợ thị trấn nhưng vẫn họp theo phiên (5 ngày/phiên); cơ sở hạ tầng xuống cấp. Đình chính của chợ chật hẹp, nền đất mấp mô, ẩm ướt, các gian hàng mạnh ai người đó quây để bán nên nhìn lộn xộn… Chính vị chợ chật hẹp, xuống cấp nên nhiều tư thương tràn ra ngoài vỉa hè, rìa đường để buôn bán, tiềm ẩn mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị.

Đồng chí Trịnh Thanh Phương, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: Với đặc điểm diện tích nhỏ, dân số ít, trong đó phần lớn là cán bộ, công chức; số hộ nằm bám mặt đường chủ yếu làm nghề buôn bán nhưng nhỏ lẻ (khoảng 400 hộ). Cả thị trấn mới có 8 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký hoạt động, nhưng trên thực tế chỉ có 5 doanh nghiệp duy trì hoạt động. Khách đến làm ăn, tạm trú cũng ít nên cả thị trấn chỉ có 1 nhà nghỉ. Thu ngân sách hằng năm của địa phương mới đạt trên 2 tỷ đồng. Để phát triển đô thị, thị trấn đã được quy hoạch Khu dân cư số 1 có sức chứa 200 hộ, nhưng 4 năm nay chỉ có hơn 10 hộ xây dựng nhà ở. Thị trấn có 5 tổ dân phố thì 1 tổ chưa có nhà văn hóa; đường nội thị còn hơn 10% là đường đất; số hộ nghèo còn hơn 3%...

Ông Xuân Toán, Tổ trưởng tổ dân phố Thái Long, cho biết: 34 năm nay, tổ dân phố Thái Long chưa xây dựng được nhà văn hóa do không có quỹ đất. Chúng tôi phải mượn hội trường của UBND trị trấn nên nhiều lúc rất bất tiện. Vừa qua, hơn 200 hộ dân trong tổ đã đóng góp tiền mua được hơn 2.000m2 đất, nay bà con lại tiếp tục đóng góp tiền và mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các mạnh thường quân để xây dựng nhà văn hóa.

Một cửa hàng ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai).

Một cửa hàng ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai).

Những gì được nghe, được thấy ở thị trấn Đình Cả khiến chúng tôi có chút ngỡ ngàng nhưng ngay sau đó lại là sự thấu hiểu, cảm thông. Bởi thị trấn của một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Võ Nhai để có được diện mạo như ngày hôm nay cũng là cả sự cố gắng. Thị trấn Đình Cả nói riêng và huyện Võ Nhai nói chung so với các địa phương khác trong tỉnh có những đặc điểm khó khăn riêng có (địa hình nhiều núi đá, dân cư ít, thiếu đất sản xuất…), không phải muốn bứt phá là bứt phá ngay được, không phải giải bài toán kinh tế là có thể làm trong một sớm một chiều.

Đồng chí Trịnh Thanh Phương chia sẻ có chút tự hào xen lẫn những trăn trở: So với trước kia, thị trấn đã có bước phát triển đáng ghi nhận rồi đó nhà báo ạ! Lúc mới thành lập (cách đây 34 năm) dân số của thị trấn mới có 2.700 nhân khẩu, cảnh quan đô thị còn nghèo nàn, đơn sơ, nhưng nay điện, đường, trường, trạm cơ bản đã hoàn chỉnh, đạt chuẩn theo quy định. Thị trấn đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP là mỳ gạo Tiền Phong và trà Giảo cổ lam. Chúng tôi đã quy hoạch đất để dịch chuyển chợ tới vị trí thuận tiện, phù hợp hơn. Để thị trấn Đình Cả thực phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng, theo tôi, một trong những yếu tố quyết định nữa là phải mở thêm tuyến đường từ trung tâm thị trấn tới xã Lâu Thượng; mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nội thị để thu hút các hộ dân đến sinh sống, buôn bán… Những việc này rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các cấp, ngành chức năng.

Năm nay, thị trấn Đình Cả phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 199,4 tỷ đồng, tăng 1,14% so với năm 2023; thu ngân sách hơn 2,6 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,21% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu/người/năm; duy trì trên 92% số hộ đạt gia đình văn hóa; 100% tổ dân phố văn hóa, cơ quan đạt chuẩn văn hóa...

Chúng tôi hy vọng thị trấn nhỏ bên dòng sông Dong sẽ thật sự “trở mình” khi xác định đúng đắn mục tiêu và đưa ra được những giải pháp khả thi, sớm trở thành đô thị loại 4 trước kế hoạch đề ra.

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/thi-tran-nho-ben-song-dong-0a005d6/