Thị trường AI Việt Nam đón kỳ lân Nhật Bản
Kể từ khi IPO hồi tháng 12/2019, giá cổ phiếu của AI Inside Nhật Bản cũng tăng gấp gần 5 lần và đạt giá trị vốn hóa 2,5 tỉ USD vào tháng 1/2021.
Tại Việt Nam, AI cũng bắt đầu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hoạt động trong thực tế như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông và thương mại điện tử…
Xu hướng này thu hút không chỉ các doanh nghiệp nội, mà còn bao gồm cả các doanh nghiệp ngoại đến từ các quốc gia phát triển. AI Inside - startup "kỳ lân" mảng trí tuệ nhân tạo 5 năm tuổi ở Nhật Bản bày tỏ tham vọng nhắm đến thị trường Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực để mở rộng trên phạm vi thị trường toàn cầu", nhà sáng lập kiêm CEO Taku Toguchi phát biểu. Bên cạnh thị trường Việt Nam, AI Inside cũng lên kế hoạch thâm nhập thị trường Thái Lan và Đài Loan.
Startup có trụ sở tại Nhật Bản chuyên giúp các công ty chuyển đổi giấy tờ truyền thống thành dữ liệu điện tử bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Gần đây nhất, AI Inside đã chấp thuận bán công nghệ nhận diện kí tự, bao gồm kí tự Tiếng Việt, thông qua OCG Technology, một công ty liên doanh giữa VNPT và NTT (Nippon Telegraph & Telephone - Nhật Bản).
Thương vụ này nhắm đến các công ty Việt Nam đang mong muốn tự động hóa nhiều tác vụ thủ công như gõ các hồ sơ giấy tờ viết tay và các tệp tin máy tính.
Trong năm vừa qua, số đơn hàng của AI Inside tăng vọt trong năm ngoái khi các công ty và chính quyền địa phương làm việc cật lực để xử lý các chứng từ như các đơn viết bằng tay, đặc biệt là khi chính phủ Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc lần thứ nhất.
Số đơn hàng đặt phần mềm nhận diện ký tự quang học (OCR) có thể chuyển các chữ viết tay sang văn bản đánh máy trong quí 2 đạt tới 12.700, cao gấp đôi so với quí sau đó.
AI Inside kì vọng ghi nhận lợi nhuận 1,1 tỉ yên (10,6 triệu USD) trong năm tài chính kế thúc vào tháng 3/2021, gấp 3 lần so với một năm trước đó. Kể từ khi IPO hồi tháng 12/2019, giá cổ phiếu của AI Inside cũng tăng gấp gần 5 lần. Đến thời điểm 13/1, giá trị vốn hóa của AI Inside là 2,5 tỉ USD.
Thực tế, hệ sinh thái AI và mạng lưới các công ty AI khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển mạnh trong năm qua cùng với sự tăng trưởng vũ bão của ngành công nghệ tài chính (fintech). Hầu hết các công ty đang tập trung vào sản phẩm eKYC (định danh điện tử) giúp mở tài khoản ngân hàng trực tuyến mà không cần phải đến chi nhánh.
Các chuỗi khách sạn qui mô nhỏ ở Việt Nam cũng áp dụng eKYC trong việc thực hiện đăng ký cho khách trên mạng hay ứng dụng, xóa luôn khâu tiếp tân và bảo vệ để tiết kiệm chi phí. Công nghệ AI cũng được nhiều công ty Việt Nam sử dụng cho tiếp thị qua điện thoại (telemarketing).
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-ai-viet-nam-don-ky-lan-nhat-ban-1611219474851.htm