Thị trường ASEAN: Tiềm năng lớn cho xuất khẩu gạo Việt
Bức tranh xuất khẩu gạo đang có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp (DN) ngành lúa gạo có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường mới trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Đáng chú ý, khu vực ASEAN không có điều kiện tốt để sản xuất lúa gạo khiến nhu cầu nhập khẩu tăng cao, thị trường này đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu gạo.
Thị trường giàu tiềm năng
ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, các chuyên gia đánh giá dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn, trong đó mặt hàng gạo có nhiều lợi thế khi mà khu vực ASEAN không có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất mặt hàng nông sản này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN. Trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. “Không chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 mà ngay cả năm 2021, Philippines cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020”, bà Thủy cho hay.
Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.
Đánh giá gạo Việt Nam đã và đang chiếm thị phần khá lớn tại thị trường Malaysia, bà Trần Lê Dung - Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, Malaysia là nước không có thổ nhưỡng tốt để trồng lúa. Với diện tích trồng lúa chỉ khoảng 0,7 triệu ha, sản xuất lúa gạo của Malaysia hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước. “Malaysia phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo hàng năm để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ. Hiện, gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan để chiếm thị phần lớn trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Malaysia”, bà Dung nói.
Tại thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, sản xuất lúa gạo tại Indonesia không hiệu quả, giá thành cao, thu nhập thấp nên nông dân không mặn mà trồng lúa, từ đó dẫn tới năng suất, chất lượng lúa không cao. Và đây chính là lý do Indonesia ngày càng gia tăng nhập khẩu mặt hàng gạo mỗi năm. Theo ông Cường, chỉ tính riêng năm 2021, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 65.960 tấn, chiếm 16,1% tổng lượng nhập khẩu của nước này. Đối với gạo Việt Nam, Indonesia nhập khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao.
Với những diễn biến tại các thị trường, có thể thấy, khu vực ASEAN ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây là lúc các DN Việt cần tận dụng cơ hội để bứt phá. Tất nhiên, sản phẩm gạo xuất khẩu cần tăng chất để có thể nâng giá trị, từ đó mới có thể vững chân tại các thị trường xuất khẩu.
Giữ vững thị trường bằng thương hiệu “gạo Việt”
Trên thực tế, nhiều chuyên gia ngành lúa gạo cho biết, những năm gần đây, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có sự chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng. Đó là các DN chú trọng sản xuất và đưa ra thị trường nước ngoài các sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn.
Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, cần xác định rõ những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo chất lượng cao để từ đó có những chiến lược xuất khẩu hợp lý, tạo sự ổn định, bền vững tại các thị trường.
Đơn cử, tại Singapore, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một thị trường khó tính, có những yêu cầu hết sức khắt khe về chất lượng. Theo ông Cao Xuân Thắng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, để có thể tiếp cận được với thị trường Singapore không phải là câu chuyện đơn giản dù dư địa xuất khẩu gạo vào Singapore còn rất lớn.
“Những yêu cầu về chất lượng gạo, tính cạnh tranh về giá cả… đòi hỏi các DN ngành lúa gạo phải hết sức lưu tâm để có thể nắm bắt được thị trường khó tính này”- ông Thắng nhấn mạnh.
Lâu nay, tình trạng chạy theo sản lượng mà không chú trọng đến chất lượng đã khiến không ít DN xuất khẩu gạo đánh mất thị trường. Chính bởi vậy, việc ngày càng quan tâm, nâng cao phẩm cấp hạt gạo xuất khẩu, đưa ra những sản phẩm gạo ngon của các DN được cho là một sự thay đổi cần thiết nếu các DN nước nhà muốn vươn xa.
Tuy nhiên, bên cạnh việc chủ động nâng cấp chất lượng sản phẩm gạo xuất khẩu, theo ông Thắng, các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam cần quan tâm đến xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường ASEAN. Bởi hiện tại một số thị trường trong khu vực ASEAN, gạo Việt Nam chưa thực sự được nhận diện chính thức mà vẫn phải thông qua các DN phân phối ở nước sở tại.
Đơn cử, tại thị trường Malaysia, gạo Việt xuất khẩu vẫn phải thông qua một công ty độc quyền nhập khẩu, sau đó dán nhãn mác thương hiệu của họ mới tiêu thụ được tại thị trường này. Đây là lý do khiến người tiêu dùng nước này dù ăn gạo “made in Vietnam” nhưng lại không hề biết đó là gạo nhập khẩu từ Việt Nam, họ lại chỉ nhớ đến thương hiệu của Bernas Berhad - công ty độc quyền nhập khẩu nói trên. Đây thực sự là một thiệt thòi đối với DN xuất khẩu gạo của chúng ta.
Hay như tại thị trường Indonesia, việc nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt, trong khi đó gạo Thái Lan lại có nhiều thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng tại các siêu thị của Indonesia.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mặc dù mới được điều chỉnh tăng trước đó 1 ngày, nhưng từ ngày 18/5, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tiếp tục tăng. Cụ thể, ngày 19/5, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 373 USD/tấn (tăng 3 USD/tấn), giá gạo xuất khẩu gạo 5% tấm và 25% tấm ổn định ở mức 418 USD/tấn và 398 USD/tấn.
Gạo Pakistan cũng tăng rất ấn tượng. Sau khi tăng từ 15-23 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Pakistan lại tăng thêm 3-5 USD/tấn, tùy loại. Trên thị trường thế giới, giá gạo Ấn Độ và Thái Lan không điều chỉnh, gạo 338 USD/tấn, gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 444 USD/tấn; gạo 25% tấm của Ấn Độ có giá 323 USD/tấn, gạo Thái Lan có giá 433 USD/tấn; gạo 100% tấm của Ấn Độ có giá 323 USD/tấn, gạo Thái Lan có giá 412 USD/tấn.