Thị trường bảo hiểm gặp nhiều khó khăn

Hậu dịch Covid, suy thoái kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Tại tỉnh Hà Nam, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng đang gặp không ít khó khăn và khó hoàn thành mức tăng trưởng trong năm 2024. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn tỉnh đang từng bước sắp xếp lại bộ máy hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành mức tăng trưởng theo kế hoạch được giao.

Đặc thù của ngành bảo hiểm là hoạt động an sinh xã hội và chia sẻ rủi ro trong cộng đồng. Nếu tách nhỏ tất cả các cá nhân trong cộng đồng thành những thực thể độc lập thì mỗi người phải tự lo bảo vệ bản thân mình, nhưng nếu gộp lại, liên kết lại với nhau thì sẽ có một cộng đồng chia sẻ rủi ro. Như vậy, bảo hiểm là sự bù đắp rủi ro giữa những người may mắn, khỏe mạnh cho số ít những người không may gặp rủi ro. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay chưa thực sự tin cậy và thiếu hiểu biết về lợi ích của bảo hiểm (kể cả bảo hiểm bắt buộc).

Từ những khó khăn thách thức đó, trong một số năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có mức tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trước tình trạng này, ngành tài chính đang hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn; phân loại, đánh giá doanh nghiệp, cập nhật, tiến tới hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Sự minh bạch hóa thông tin cùng với chế tài xử phạt mạnh tay các vi phạm sẽ bảo đảm tính kỷ luật và lòng tin của thị trường, giúp bảo hiểm lấy lại niềm tin của khách hàng; đồng thời giúp thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Thông, Giám đốc Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam cho biết: Suy thoái kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến ngành bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm nhân thọ. Trong 2 năm trở lại đây, bảo việt nhân thọ Hà Nam có mức tăng trưởng cũng chậm. Khác với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thường có thời hạn trong 1 năm với giá trị nhỏ, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kéo dài 10 – 20 năm hoặc dài hơn có số tiền phải đóng bình quân mỗi năm từ 20 – 30 triệu đồng, như vậy tổng giá trị phải đóng sẽ khoảng 300 – 500 triệu đồng (tùy mức khách hàng tham gia). Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc tham gia bảo việt nhân thọ sẽ giảm khó khăn khi rủi ro và có vốn tích lũy khi tất toán hợp đồng. Cụ thể, trong năm 2024, bình quân mỗi tháng Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam chi trả 3,5 – 4 tỷ đồng giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng chỉ tham gia được một thời gian ngắn, song không may bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, được bảo hiểm trả 350 – 500 triệu đồng. Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam chỉ đạo tư vấn viên trước khi ký hợp đồng cần thảo luận rõ các điều khoản với khách hàng, khi hai bên thống nhất mới ký.

Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam chi trả quyền lợi đáo hạn hợp đồng cho khách hàng.

Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam chi trả quyền lợi đáo hạn hợp đồng cho khách hàng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Quyền Giám đốc Bảo Việt Hà Nam cho hay: Trong thời gian qua ngành bảo hiểm phi nhân thọ cũng gặp rất nhiều khó khăn do hậu dịch Covid – 19 tác động và suy thoái kinh tế kéo dài. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã thu hẹp sản xuất, các phương tiện cũng giảm, kéo theo ngành bảo biểm cũng bị giảm doanh thu. Hơn nữa, ngành bảo hiểm còn phải đối mặt với sự thiếu hụt sự tin cậy và hiểu biết về lợi ích của bảo hiểm từ phía khách hàng. Năm 2024, Bảo Việt Hà Nam được giao doanh thu 28 tỷ đồng, trong đó 8 tháng đầu năm mới đạt 13 tỷ đồng. Những tháng còn lại của năm 2024, Bảo Việt Hà Nam sẽ tăng cường tiếp thị, sắp xếp lại hoạt động của các đại lý, phấn đấu hoàn thành mức tăng trưởng được giao.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, tất cả các công ty bảo hiểm trên thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam có một đặc điểm chung là không có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc. Tức là toàn bộ phí mà khách hàng đóng vào trừ đi toàn bộ các chi phí vận hành thì phần còn lại gần như bằng 0. Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm đến từ hoạt động đầu tư. Tức là khi doanh nghiệp có doanh thu, dòng tiền thì đem đầu tư và lợi nhuận sinh ra trong hoạt động đầu tư đó. Những sản phẩm bảo vệ cho tài sản bảo đảm như: xe, nhà xưởng, tàu thuyền, máy móc, thiết bị và tính mạng của người đi vay cũng đồng thời bảo vệ an toàn cho nguồn vốn của ngân hàng khi xảy ra sự cố không mong muốn.

Thời gian tới, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể phục hồi từ đáy nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ giúp khách hàng hiểu đúng, đủ về những sản phẩm bảo hiểm trước khi quyết định mua. Nhiều doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng, chủ động tra cứu thông tin, so sánh các sản phẩm, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân. Đối với bảo hiểm nhân thọ, trong thời gian tới, sẽ có nhiều gói phù hợp với từng nhu cầu khác nhau để hướng tới phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng. Trong quá trình lựa chọn người dân có thể tham khảo lời khuyên từ các đơn vị tư vấn tài chính để có quyết định chính xác và phù hợp với mong muốn của bản thân. Thời hạn bảo hiểm càng dài sẽ giúp bảo vệ khách hàng lâu hơn, được chăm sóc y tế trong một khoảng thời gian dài hơn, song khách hàng phải có nguồn tài chính phù hợp. Đây cũng là một trong những chiến lược để bảo việt nhân thọ khắc phục những khó khăn trong giai đoạn suy giảm kinh tế, sớm phục hồi và lấy đà lại đà tăng trưởng.

Trần Thoan

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/thi-truong-bao-hiem-gap-nhieu-kho-khan-139302.html