Thị trường Campuchia - 'Mỏ vàng' của Đạm Cà Mau (DCM)

Với nhu cầu tiêu thụ phân bón gia tăng nhanh qua các năm và có vị trí địa lý gần nhà máy sản xuất, Campuchia đang là thị trường trọng điểm của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM).

Đạm Cà Mau hiện là doanh nghiệp nội địa duy nhất sản xuất được ure hạt đục tại Việt Nam.

Đạm Cà Mau hiện là doanh nghiệp nội địa duy nhất sản xuất được ure hạt đục tại Việt Nam.

Với chiến lược linh hoạt khai thác thị trường xuất khẩu, lượng xuất khẩu phân bón ure của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) trong 8 tháng đầu năm nay đạt 209.690 tấn, chiếm 18% tổng lượng xuất khẩu của cả nước trong kỳ. Qua đó, công ty đã hoàn thành 93% kế hoạch xuất khẩu của cả năm.

Trong số các thị trường xuất khẩu của Đạm Cà Mau hiện nay, Campuchia được xem là thị trường quan trọng nhất nhờ nhu cầu tiêu thụ phân bón không ngừng tăng trưởng liên tục với tốc độ cao qua các năm. Theo dữ liệu của Chứng khoán An Bình, nhu cầu tiêu thụ ure hàng năm của Campuchia ở mức 380.000 - 410.000 tấn, phân DAP là từ 250.000 - 280.000 tấn/năm, và phân NPK là từ 260.000 - 300.000 tấn/năm.

Đáng chú ý, 90% nhu cầu tiêu thụ ure của Campuchia là ure hạt đục, tập trung tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như khu vực Biển Hồ và các tỉnh giáp ranh. Trong khi đó, Đạm Cà Mau hiện là doanh nghiệp phân bón Việt Nam duy nhất sản xuất được loại sản phẩm này.

Nhờ tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý, Đạm Cà Mau đã giảm thiểu chi phí logistics, thời gian vận chuyển từ đó duy trì giá bán hợp lý nhằm cạnh tranh vượt trội so với đối thủ trên thị trường Camphuchia.

Hiện Đạm Cà Mau đang chiếm 35 - 40% thị phần phân ure của Campuchia và đặt mục tiêu tăng lên mức 50 - 60% trong thời gian tới.

Công ty cũng đang tích cực mở rộng sang thị trường các nước khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ La Tinh như Thái Lan, Myanmar, Philippines, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Ấn Độ, Brazil… Đây được xem là các thị trường có quy mô tiêu thụ phân bón lớn, ổn định, phát huy được lợi thế cạnh tranh về giá bán, chất lượng sản phẩm và được người tiêu dùng đánh giá tích cực trong thói quen sử dụng phân ure hạt đục.

Ngoài ra, Đạm Cà Mau bước đầu cũng đã thâm nhập được các thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới như Australia, New Zealand…

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Đạm Cà Mau đã hợp tác với loạt đối tác lớn trên thế giới. Điển hình, giữa tháng 9 vừa qua, công ty đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Samsung C&T nhằm xuất khẩu các sản phẩm ure hạt đục, NPK… ra thị trường toàn cầu. Samsung C&T hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh thương mại phân bón lớn nhất thế giới.

Trước đó, trong tháng 5/2024, Đạm Cà Mau cũng đã làm việc với Ameropa AG (Thụy Sĩ) - công ty hàng đầu thế giới về kinh doanh phân bón và một số đầu mối phân phối, kinh doanh phân bón lớn hàng đầu tại Lào, Thái Lan… nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, hoạt động xuất khẩu của Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc vẫn đang kiểm soát chặt chẽ hạn ngạch xuất khẩu.

Trong đó, Nga tiếp tục gia hạn hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến hết tháng 11/2024. Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, từ đó ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu. Ai Cập hiện là nước sản xuất phân ure lớn thứ 6 thế giới. Ngoài ra, căng thẳng địa chính gia tăng tại nhiều nới trên thế giới có thể gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung ngắn hạn.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thi-truong-campuchia--mo-vang--cua-dam-ca-mau--dcm-127554.htm