Thị trường chuẩn bị cho cú sốc nguồn cung dầu ở Trung Đông

Thị trường dầu mỏ đang đứng trước nguy cơ căng thẳng. Lo ngại về một cuộc chiến toàn diện và sự gián đoạn thực sự đối với nguồn cung dầu từ Trung Đông ngày càng gia tăng, đẩy giá dầu lên cao.

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Khi thế giới đang chờ đợi phản ứng của Israel sau cuộc tấn công tên lửa của Iran vào nước này hồi đầu tuần trước, các báo cáo cho thấy Israel có thể nhắm mục tiêu vào một số cơ sở hạ tầng năng lượng và nguồn cung dầu mỏ của Iran.

Không giống như những đợt bùng phát địa chính trị tương tự trong thời gian gần đây, giá dầu vẫn tương đối im ắng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm 2023, gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông.

Điều này được lý giải là bởi vì OPEC, tổ chức đang cắt giảm sản lượng dầu để "ổn định" thị trường, đang có công suất khai thác dự phòng ước tính khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày (bpd).

Các nhà phân tích tin rằng OPEC, chủ yếu là các thành viên ở Trung Đông, bao gồm Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), có đủ công suất dự phòng để bù đắp những tổn thất nguồn cung tiềm tàng từ thành viên Iran. Tuy nhiên, trong trường hợp xung đột leo thang dẫn đến việc các lực lượng ủy nhiệm của Iran nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở các nước láng giềng Trung Đông của Iran hoặc nếu Iran chuyển sang chặn hoặc hạn chế vận chuyển hàng hóa dầu ở eo biển Hormuz, giá dầu có thể tăng vọt lên ba con số và đạt mức cao kỷ lục, các nhà phân tích cho biết.

Trên thực tế, hầu hết những người theo dõi và chuyên gia đều coi nguồn gốc của mọi cú sốc dầu mỏ – việc đóng cửa eo biển Hormuz – điểm nghẽn quan trọng nhất thế giới trong việc xử lý thương mại dầu mỏ khoảng 20 triệu thùng mỗi ngày (bpd) – là một sự kiện có xác suất thấp. Tuy nhiên, thị trường đang chuẩn bị cho sự gián đoạn thực sự đối với nguồn cung từ Trung Đông một năm sau khi cuộc xung đột hiện tại bắt đầu.

Nếu cơ sở hạ tầng của Iran bị nhắm mục tiêu, thiệt hại tối đa đối với nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vào khoảng 3,5 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày, chủ yếu sang Trung Quốc. Sự gián đoạn như vậy dễ dàng nằm trong khả năng bù đắp của OPEC, vì họ có công suất khai thác dầu dự phòng hơn 5 triệu thùng/ngày.

Amrita Sen, đồng sáng lập công ty tư vấn Energy Aspects, nói với Reuters: "Về lý thuyết, nếu chúng tôi mất toàn bộ sản lượng của Iran - vốn không phải là trường hợp dự tính của chúng tôi - thì OPEC+ có đủ năng lực dự phòng để bù đắp cho cú sốc”. Các nhà phân tích cho biết Ả Rập Xê-út có thể tăng sản lượng dầu thêm khoảng 3 triệu thùng/ngày và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thêm 1,4 triệu thùng/ngày. Công ty tư vấn FGE cho biết trong một báo cáo hồi cuối tuần vừa qua rằng thị trường đã tính đến một số hình thức tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.

FGE cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung dầu của Iran có thể sẽ đẩy giá dầu Brent lên trên 80 USD/thùng, nhưng nếu điều đó không xảy ra, giá dầu có thể nhanh chóng quay trở lại mức 70 USD/thùng. Mặc dù vậy, trong trường hợp xung đột leo thang, năng lực dự phòng ở các nhà khai thác Trung Đông có thể dễ bị tấn công, theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS.

Staunovo nói với Reuters: "Công suất dự phòng hiệu quả có thể thấp hơn nhiều nếu các cuộc tấn công mới vào cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm vào các nước trong khu vực xảy ra".

Citigroup coi một cuộc tấn công có thể xảy ra của Israel vào cơ sở xuất khẩu dầu lớn của Iran trên đảo Kharg, nơi xử lý 90% hàng xuất khẩu của Iran có "xác suất thấp, tác động cao".

Nhưng điều này có thể khiến Iran làm gián đoạn giao thông ở eo biển Hormuz, nơi "được cho là điểm kích nổ của thị trường dầu mỏ toàn cầu và nền kinh tế thế giới", Citi cho biết trong một bài bình luận do MarketWatch đăng tải.

Các nhà phân tích của ngân hàng lưu ý rằng một sự kiện như vậy có thể dẫn đến "mức tăng đột biến, vượt xa các kỷ lục trước đó". Giới quan sát nghi ngờ rằng liệu Mỹ có thực sự cho phép Israel cho nổ tung các cơ sở dầu mỏ ở biên giới đối thủ của họ trong năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay không?

Liệu Iran có thực sự đóng cửa eo biển Hormuz, điều này sẽ không chỉ cắt đứt nguồn xuất khẩu của các nước láng giềng mà còn là nguồn cung cấp dầu đáng chú ý duy nhất của chính họ.

Bình An

OP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thi-truong-chuan-bi-cho-cu-soc-nguon-cung-dau-o-trung-dong-718626.html