Thị trường chứng khoán sôi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh

Bất chấp những thông tin tích cực về xu hướng lạm phát, việc ngược pha chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn so với Fed trong tháng 6 khiến áp lực tỷ giá mạnh hơn, là gánh nặng với tâm lý nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK), khiến đà tăng của thị trường bị xóa bỏ trong nửa cuối tháng 6.

Diễn biến của VN-Index trong tháng 6.

Diễn biến của VN-Index trong tháng 6.

Kỳ vọng VN-Index có thể quay lại mức 1.300 điểm

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sang tháng 7, mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quý II sẽ mang lại sự sôi động cho TTCK. VDSC tin rằng, KQKD quý II tiếp tục tích cực theo xu hướng của tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần từ cuối quý I/2024.

Theo ước tính của đơn vị phân tích, doanh thu toàn thị trường sẽ bắt đầu có sự phục hồi so với quý trước, dù mức tăng có thể thấp hơn so với cùng kỳ. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước đạt 13%/năm, có sự cải thiện biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) so với cùng kỳ.

Trong đó, các ngành có tỷ trọng đóng góp cao trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của của rổ VN-Index như sản xuất công nghiệp (+10%), bán lẻ (+7,6%) và vận tải (+11,5%) duy trì được động lực tăng trưởng bền bỉ trong 4 quý liên tiếp; cấu phần dịch vụ tài chính (5,7%) cũng như tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, cho thấy một gam màu sáng trong bức tranh lợi nhuận của nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Hiệu suất sinh lời của các nhóm ngành trong tháng 6.

Hiệu suất sinh lời của các nhóm ngành trong tháng 6.

Ngoài ra, mặc dù mức tăng không cao, nhưng lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang cho thấy sự phục hồi khá bền bỉ trong 3 quý liên tiếp vừa qua. Nhóm phân tích kỳ vọng, kết quả kinh doanh của nhóm ngành này sẽ bắt đầu thể hiện sự phục hồi từ quý 2.

Trên sàn HNX, trong quý 2, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đảo chiều trở lại, khi chỉ báo tăng trưởng tín dụng theo báo cáo mới nhất là tăng 4,5%, kể từ đầu năm và tương đương 14% so với cùng kỳ. Ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế ở các nước phát triển như Việt Nam, do đó tăng trưởng tín dụng là phương tiện có thể tin cậy để đo lường mối quan hệ mật thiết với tăng trưởng tài sản trong nền kinh tế, sự tương quan đó cũng đã thể hiện trong những năm qua.

Theo đó, các chuyên gia chứng khoán kỳ vọng, vòng quay tài sản đã tạo đáy từ quý I/2024 và sẽ có xu hướng phục hồi về trạng thái bình thường trong các quý tới, khi hiệu ứng “lãi suất cho vay giảm và đã có dấu hiệu chạm đáy” sẽ không còn lấn át hiệu ứng “tăng trưởng tính dụng”, vốn đã yếu trong suốt năm 2023 và quý I/2024. Mặt khác, số liệu tăng trưởng về sản xuất và tiêu dùng được cải thiện qua các quý là cơ sở để tin rằng, vòng quay tài sản ở các nhóm ngành khác cũng sẽ được cải thiện.

Đối với biên lợi nhuận ròng, yếu tố mùa vụ và biên lợi nhuận nhóm ngân hàng có thể chưa cải thiện thêm do tiềm ẩn rủi ro nợ xấu vẫn còn, là những nhân tố khiến biên lợi nhuận ròng có sự điều chỉnh nhẹ so với quý I.

Tăng trưởng GDP quý 2/2024.

Tăng trưởng GDP quý 2/2024.

Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá và lãi suất vẫn sẽ là gánh nặng đối với thị trường. Thống kê của VDSC cho thấy, lãi suất huy động đã tăng từ 30 - 50 điểm so với cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2023. Áp lực tỷ giá kéo dài do sức mạnh của đồng USD và nhu cầu ngoại tệ tăng cao, khiến rủi ro NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành trong quý 3/2024 có thể hiện thực hóa.

Đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang dần tăng trở lại, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, khiến mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn này. “Một mức tăng thêm 50 - 100 điểm cơ bản (bps) về mức trước dịch theo chúng tôi là hợp lý”, chuyên viên phân tích VDSC nhận định.

Với tác động trái chiều của hai yếu tố trên, các nhà phân tích chứng khoán cho rằng, thị trường nhìn chung vẫn giữ mức biến động như hai tháng vừa qua. Cụ thể, với mùa công bố KQKD quý 2 sẽ diễn ra trong tháng 7, VN-Index vẫn có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm; trong khi vấn đề tỷ giá và rủi ro NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, có thể khiến chỉ số quay về ngưỡng 1.240 điểm, hoặc thậm chí 1.180 - 1.220 điểm trong quý III.

Ở vùng dao động này của chỉ số, nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ luân phiên tăng điểm, mang lại cơ hội đầu tư ngắn hạn và nhà đầu tư có thể chủ động phân bổ danh mục đầu tư cho các mục tiêu ngắn - dài hạn, với tỷ trọng cổ phiếu: Tiền mặt hợp lý.

Cũng lưu ý rằng, một mức biến động 5% của VN-Index có thể sẽ mang lại mức chênh lệch lớn về hiệu suất sinh lời cho các danh mục, với tỷ trọng cổ phiếu khác nhau. Do vậy, các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị, NĐT hạn chế sử dụng đòn bẩy quá mức và luôn có sức mua cho cơ hội ở các nhịp điều chỉnh lớn.

Mặt bằng lãi suất có khả năng tăng ở mức hợp lý nửa cuối năm

Nhìn lại nửa đầu năm 2024, lãi suất huy động đã trải qua một đợt phục hồi từ vùng đáy, bình quân tăng khoảng 30 - 50 điểm so với cuối tháng 3/2024. Tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn thấp hơn khoảng 15 - 45 điểm so với cuối năm ngoái. VDSC kỳ vọng, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động kỳ vọng của tỷ giá và chính sách lãi suất.

Biểu đồ lãi suất ngân hàng.

Biểu đồ lãi suất ngân hàng.

Thực tế, áp lực về tỷ giá hiện nay còn dai dẳng. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao, do Fed cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các ngân hàng trung ương khác. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nếu ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed và rủi ro địa chính trị kéo dài, dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.

Thêm vào đó, do yếu tố mùa vụ, nhu cầu ngoại tệ (để nhập khẩu hàng hóa) có thể tăng cao trở lại vào cuối quý III, trước khi Fed chính thức đảo chiều chính sách lãi suất, khiến áp lực tỷ giá vẫn sẽ kéo dài trong giai đoạn này.

Trong khi đó, sau 10 tuần liên tiếp thực hiện bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá (từ ngày 22/4), ước tính NHNN đã bán hơn 5,8 tỷ USD để can thiệp, tương đương khoảng 30% mức tiêu hao (cho vấn đề tỷ giá) của năm 2022. Cho giai đoạn sắp tới, trong kịch bản vừa để bảo vệ dự trữ ngoại hối, đồng thời ổn định được vấn đề tỷ giá, không loại trừ khả năng NHNN sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành (25 - 50 điểm cơ bản) trong quý 3. VDSC xem kịch bản NHNN nâng lãi suất điều hành ngay trong quý 3/2024 là kịch bản rủi ro hơn là kịch bản cơ sở, khi đánh giá xu hướng thị trường cho giai đoạn sắp tới.

Ngoài ra, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay cũng là một điểm cần lưu ý. Tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 4,45% so với đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, nhưng sẽ phục hồi mạnh dần về cuối năm. Điều này cộng hưởng với lượng tiền hút ròng qua kênh bán ngoại tệ, có thể tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất trong nửa sau năm 2024.

Bảng thống kê các nhóm ngành khối ngoại mua - bán ròng.

Bảng thống kê các nhóm ngành khối ngoại mua - bán ròng.

Tuy vậy, mức tăng sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô khác nhau. Năm 2024, vẫn còn thiếu những nhân tố gây "sốc" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng “hội tụ” về lãi suất (Fed giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Vì vậy mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 50 - 100 điểm cơ bản để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.

Nhìn lại tháng 6, TTCK toàn cầu đã có mùa giao dịch sôi động, trong đó TTCK Việt Nam có những khởi đầu với những thông tin hỗ trợ từ dữ liệu lạm phát Mỹ và việc ECB, một ngân hàng trung ương lớn thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên. Những yếu tố này đã tích cực hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, việc áp lực tỷ giá quay trở lại khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất, trong khi đó "dot-plot" - một biểu đồ thể hiện kỳ vọng của các thành viên trong Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) lại hàm ý cho một lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, khiến cho tâm lý thị trường đảo chiều. Theo đó, một đợt điều chỉnh trên diện rộng đã diễn ra khiến VN-Index đánh mất thành quả và giảm 1,8% so với tháng trước, đóng cửa ở mức 1.245 điểm.

Ngoài ra, Quốc hội thông qua luật sửa đổi và đưa luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS) và ngân hàng có hiệu lực sớm trong những ngày cuối cùng của tháng là điểm nhấn đáng chú ý. Mặc dù chưa tác động tích cực được ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS, tuy nhiên những điểm nghẽn lớn của lĩnh vực bất động sản sẽ được giải quyết sớm hơn, đồng thời triển vọng khơi thông dòng vốn tín dụng và khả năng kinh doanh của các dự án trong các quý tới.

Tháng 6, các nhà đầu tư cá nhân cũng đã mua ròng đáng kể với 15.582 tỷ đồng. Lũy kế mua ròng 12 tháng của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng tiếp tục nâng lên con số 74.363 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong tháng 6 với con số 16.592 tỷ, tăng mạnh so với tháng trước. Ngành hóa chất, điện, nước, xăng dầu khí đốt, xây dựng và vật liệu là những ngành được khối ngoại mua ròng mạnh trong tháng.

Còn nhóm nhà đầu tư tổ chức quay lại mua ròng với 1.009 tỷ đồng. Các cổ phiếu được nhà đầu tư tổ chức trong nước mua bán ròng đáng kể nhất là FUEVFVND, KDC, HPG, EIB, ACB, HDG, SSB, CTR, FPT, NAB.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-chung-khoan-soi-dong-mua-bao-cao-ket-qua-kinh-doanh-20240708111924643.htm