Thị trường lúa gạo Miền Tây sôi động trở lại

Các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đơn hàng xuất khẩu cuối năm, đón nhu cầu nhập khẩu của các nước để chuẩn bị cho các ngày lễ lớn là Noel và năm mới ở các nước châu Âu (EU), Mỹ và Tết Nguyên đán ở các nước châu Á.

Thị trường lúa gạo dần ấm lên

“Giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng khiến giá lúa tại vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long tăng lạc quan”, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa tăng thêm 100 đồng/kg, bán ra như sau: Lúa IR 50404 tươi giá 5.000 - 5.200 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 5.300 - 5.500 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 5.700 đồng/kg; nếp vỏ (khô): 7.000 - 7.100 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa IR 50404 (tươi) ở mức cao: 5.000-5.100 đồng/kg; lúa OM 5451 tươi có giá 5.300-5.400; lúa Đài Thơm 8 có giá 6.100-6.300 đồng/kg; OM 18: 6.200-6.400 đồng/kg; Jasmine: 6.500-6.700 đồng/kg. Trong tuần qua, giá lúa đã tăng từ 50-250 đồng/kg tùy từng địa phương.

Giá lúa tăng lạc quan. (Ảnh minh họa)

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng thêm từ 5-7 USD và trụ vững ở mức cao, chào bán trên thị trường thế giới ở mức 433-437 USD/tấn gần mức cao nhất ba tháng từ mức 425-430 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo 25% tấm cũng ở mức 408-412 USD/tấn; gạo 100% chào bán với giá 438-432 USD/tấn. Đặc biệt, gạo Jasmine chào bán với giá 583-587 USD/tấn.

Theo các thương nhân kinh doanh lúa gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức cao khiến giao dịch trên thị trường nội địa sôi động trở lại, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đơn hàng xuất khẩu cuối năm, đón nhu cầu nhập khẩu của các nước để chuẩn bị cho các ngày lễ lớn là Noel và năm mới ở các nước châu Âu (EU), Mỹ và Tết Nguyên đán ở các nước châu Á.

Năm nay lúa được mùa lớn là do ngành nông nghiệp bố trí bộ giống và thời vụ gieo trồng hợp lý, nên đã né được các lứa sâu bệnh. Bên cạnh đó, nông dân cũng áp dụng các biện pháp thâm canh tốt như cấy đúng mật độ, bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng, hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Biến động trên thị trường thế giới

Cùng với giá lúa gạo trong nước tăng, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên mức từ 360-363 USD/tấn so với mức từ 358-363 USD/tấn trong tuần trước. Vụ mùa mới của Ấn Độ có thể diễn ra vào tháng 11/2021. Các thương nhân Bangladesh, quốc gia láng giềng của Ấn Độ, tiếp tục mua phần lớn gạo từ Ấn Độ thông qua cảng đất liền, và Chính phủ nước này dự kiến giá ngũ cốc nội địa sẽ giảm trong thời gian tới.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này tăng lên mức từ 385-420 USD/tấn so với mức từ 385-386 USD/tấn trong tuần trước, với lý do chủ yếu là đồng baht tăng giá nhẹ. Từ tháng 1-9/2021, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 3,7 triệu tấn ngũ cốc và dự kiến xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay, nhờ nhu cầu từ những người mua trở lại tăng cao.

Giá lúa gạo ở Thái Lan đồng thời tăng lên (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lo ngại rằng chi phí vận chuyển cao sẽ đem lại thách thức lớn. Vì vận chuyển gạo gặp khó khăn, làm nhu cầu bị kìm hãm, khiến người mua đang chuyển sang các đối thủ cạnh tranh có giá hấp dẫn hơn. Dự kiến Thái Lan sẽ có thêm nguồn cung gạo vào đầu tháng 11/2021.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần 22/10, giá các mặt hàng nông sản biến động trái chiều tại sàn giao dịch Chicago (Mỹ), với giá ngô và lúa mì đồng loạt tăng, còn giá đậu tương lại giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 5,75 xu Mỹ (0,42%) lên 5,2725 USD/bushel. Giá lúa mì giao tháng 12/2021 cũng tăng 14,75 xu Mỹ (1,99%), lên 7,56 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11/2021 lại giảm 3,5 xu Mỹ (0,29%) xuống 12,205 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Thu Hà (t/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thi-truong-lua-gao-mien-tay-soi-dong-tro-lai-60631.html