Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Ấn Độ tăng nhờ nhu cầu cao

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần này nhờ nhu cầu từ châu Á và châu Phi tăng cao.

Thị trường gạo châu Á

Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần này nhờ nhu cầu từ châu Á và châu Phi tăng cao.

Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo đồ 5% tấm tăng lên mức 363 - 367 USD/tấn, cao hơn so với mức 361 - 365 USD/tấn trong tuần trước, với giá gạo tăng nhờ đồng nội tệ rupee mạnh lên.

Ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của công ty Olam (Ấn Độ), cho biết: "Nhu cầu đối với tất cả các loại gạo đang tăng mạnh tại châu Á và châu Phi".

Nhìn chung, đồng rupee mạnh hơn làm giảm biên độ lợi nhuận của các thương nhân bán hàng ở nước ngoài.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức 420 USD/tấn, tăng từ mức 415 USD/tấn của tuần.

Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết "giá đang tăng lên do nguồn cung khan hiếm khi vụ thu hoạch Đông - Xuân đã kết thúc". Theo thương nhân này, nguồn cung sẽ tăng sau vụ thu hoạch Hè - Thu vào cuối tháng 5 tới đây.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức 435 - 445 USD/tấn trong tuần này, tăng từ mức gần mức 432 - 435 USD/tấn của tuần trước đó.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết: "Nhu cầu từ Iraq ngày càng nhiều, với nhiều tàu vận chuyển hàng hóa đến để mua gạo và điều này khiến giá cả tăng lên".

Một thương nhân khác cho biết lượng gạo trên thị trường sẽ bắt đầu giảm khi Thái Lan bước vào mùa mưa.

Thị trường nông sản Mỹ

Trong phiên giao dịch ngày 6/5, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) biến động tăng giảm trái chiều, với giá ngô và đậu tương giảm trong khi giá lúa mỳ tăng.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 giảm 12,75 xu Mỹ (tương đương 1,6%) xuống 7,8475 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 25 xu Mỹ (1,52%), xuống 16,22 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 tăng 2 xu Mỹ (0,18%) lên 11,085 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngô và đậu tương giảm do ảnh hưởng của thị trường tài chính và dự báo thời tiết vùng Trung Mỹ được cải thiện.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng người dùng cuối có thể sử dụng thời gian này để tính toán về báo cáo mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra ngày 5/5.

Thời tiết gieo trồng cải thiện đang gây ra áp lực ngắn hạn đối với giá cả trên sàn CBOT.

AgResource quan ngại giá ngũ cốc giảm sẽ kéo dài hoặc rất sâu. Giá lúa mỳ sẽ được theo dõi sát sao theo tình hình hạn hán ở Liên minh châu Âu.

Thị trường cà phê thế giới

Hạt cà phê tại vườn ở Brazil. Ảnh: Reuters

Hạt cà phê tại vườn ở Brazil. Ảnh: Reuters

Trong phiên giao dịch cà phê ngày 6/5, giá cà phê thế giới trên hai sàn tại London và New York đều trong xu hướng giảm do việc thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong đó, giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 7/2022 giảm thêm 53 USD, xuống 2.083 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm thêm 52 USD, xuống còn 2.079 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm sâu. Giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 7/2022 giảm thêm 6,80 xu Mỹ, xuống 210,45 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm thêm 6,75 xu Mỹ, còn 210,45 xu Mỹ/lb. Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.

Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 800 - 900 đồng, xuống dao dộng trong khung 40.200 - 40.700 đồng/kg.

Tỷ giá đồng reais của Brazil giảm xuống mức thấp hơn 1,5 tháng đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu do họ sẽ thu về được nhiều đồng nội tệ hơn. Trong khi chỉ số đồng USD tiếp tục tăng khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ làm giảm sức mua từ các thị trường mới nổi.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero COVID" (Không COVID-19), khiến nguy cơ kinh tế suy thoái ngày càng tăng, điều này sẽ dẫn tới sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm là điều không thể tránh khỏi.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ sớm nâng lãi suất cơ bản đồng euro lên từ mức 0% hiện hành cũng góp phần thúc đẩy các giới đầu cơ tiếp tục thanh lý, cân đối vị thế ròng trên các thị trường cà phê kỳ hạn.

Hà Chung/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-nong-san-the-gioi-gia-gao-an-do-tang-nho-nhu-cau-cao-20220507182113634.htm