Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo Việt Nam tăng tuần thứ ba liên tiếp
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp lên gần mức cao của 16 tháng nhờ nhu cầu mạnh.
*Thị trường gạo châu Á:
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp lên gần mức cao của 16 tháng nhờ nhu cầu mạnh. Trong khi đó, đồng rupee suy yếu đã ảnh hưởng đến giá lương thực thiết yếu này của Ấn Độ.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 và tăng so với mức 440-445 USD/tấn một tuần trước. Một nhà giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay nhu cầu gạo Việt Nam vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết một số khách hàng Trung Quốc đã chuyển sang mua gạo rẻ hơn từ Pakistan và Ấn Độ, thay vì gạo của Việt Nam và Thái Lan.
Số liệu của hải quan cho thấy trong tháng 11/2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 21,4% so với tháng trước đó.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng tuần thứ sáu liên tiếp lên 444 USD/tấn trong phiên 8/12, so với mức 427–440 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng mức tăng này là do sự biến động của đồng nội tệ, mặc dù nhu cầu đang chậm lại. Một thương nhân ở Bangkok cho biết các nhà xuất khẩu đang giảm mua do giá cao, dẫn đến nhu cầu giảm.
Trong khi đó, tình hình nguồn cung không thay đổi do gạo mới tiếp tục được tung ra thị trường.
Mặc dù giá chào bán rẻ hơn, song đồng rupee suy yếu, làm tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán hàng ở nước ngoài và khiến họ phải cắt giảm tỷ lệ xuất khẩu, và việc thiếu nhu cầu từ những khách hàng lớn đã đè nặng lên thị trường Ấn Độ.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 373-378 USD/tấn, giảm so với mức 375-380 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang miền nam Andhra Pradesh cho biết nhu cầu rất yếu từ tất cả các nước mua hàng chính trước kỳ nghỉ lễ Năm mới.
Giá gạo trong nước ở Bangladesh vẫn tăng cao bất chấp một loạt biện pháp, bao gồm gia hạn thời hạn nhập khẩu gạo với mức thuế giảm thêm ba tháng đến cuối tháng 3/2023, sau khi mùa màng bị lũ lụt tàn phá hồi đầu năm nay.
*Thị trường nông sản thế giới:
Trong phiên giao dịch 9/12, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô tăng, còn giá lúa mỳ và đậu tương giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 1,5 xu Mỹ (0,23%) lên 6,44 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 12 xu Mỹ (1,61%) xuống 7,3425 USD/bushel, còn giá đậu tương tháng 1/2023 giảm 2,5 xu Mỹ (0,17%) xuống 14,8375 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Báo cáo Vụ mùa tháng 12 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có ít bất ngờ và sự chú ý của thị trường nhanh chóng chuyển hướng trở lại vào tình hình thời tiết của khu vực Nam Mỹ và các xu hướng kinh tế vĩ mô.
USDA đã nâng lượng dự trữ ngô cuối vụ của Mỹ niên vụ 2022-2023 thêm 75 triệu bushel lên 1,257 triệu bushel. Doanh số bán ngô của Mỹ giảm 48%. USDA đã hạ ước tính xuất khẩu ngô của Mỹ niên vụ 2022-2023 xuống còn 2,075 triệu bushel, giảm 396 triệu bushel so với năm ngoái.
Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới (WASDE) của USDA không đưa ra thay đổi nào về sản lượng ngô được sử dụng để sản xuất ethanol của Mỹ.
Về nguồn cung ngô thế giới, USDA ước tính ngô Brazil ở mức kỷ lục 126 triệu tấn, với Argentina là 55 triệu tấn. Nhập khẩu ngô của châu Âu tăng lên 21,5 triệu tấn trong khi nhập khẩu ngô của Trung Quốc giữ nguyên ở mức 18 triệu tấn. Dự trữ ngô thế giới giảm nhẹ xuống 298,4 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với tháng 11/2022.
Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2022-2023 của Mỹ không đổi trong tháng 11/2022, ở mức 220 triệu bushel. Vụ thu hoạch đậu tương của Brazil năm 2023 ước tính đạt kỷ lục 152 triệu tấn, trong khi vụ thu hoạch của Argentina không đổi ở mức 49,5 triệu tấn. Dự trữ đậu tương của thế giới được dự báo ở mức 102,7 triệu tấn, tăng 7,1 triệu tấn trong giai đoạn 2021-2022. Về cơ bản, giá đậu tương đang giảm.
Sản lượng lúa mỳ của Nga không đổi ở mức 91 triệu tấn. Sản lượng lúa mỳ của Australia đã tăng 2,1 triệu tấn. Sản lượng lúa mỳ của Argentina ở mức 12,5 triệu tấn và xuất khẩu sẽ không nhiều hơn 7,5 triệu tấn, so với mức 16,3 triệu tấn một năm trước. Dự trữ lúa mỳ thế giới ước tính đạt 267,3 triệu tấn trong báo cáo tháng 12/2022, không đổi so với mức 267,8 triệu tấn trong tháng 11/2022.
*Thị trường cà phê thế giới:
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đột ngột sụt giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 34 USD xuống 1.884 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 3/2023 giảm 12 USD xuống 1.864 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York nối tiếp đà giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 0,55 xu Mỹ xuống 158,15 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 0,45 xu Mỹ xuống 158,95 xu Mỹ/lb (1 lb=0,45 kg). Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 – 300 đồng, xuống dao động trong khung 41.100 – 41.600 đồng/kg.
Bộ Lao Động Mỹ báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11/2022 cao hơn dự kiến, tăng 0,3% so với tháng 10, cao hơn mức dự đoán tăng 0,2% của thị trường, đã dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay thắt chặt kinh tế, nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Điều này đã khiến chỉ số đồng USD bật tăng trở lại, hàng hóa và chứng khoán lao dốc khi đầu cơ dịch chuyển dòng vốn đi tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại rủi ro tăng cao.
Dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 11/2022 đạt 128.403 tấn (tương đương 2.140.050 bao), tăng tới 60,84% so với tháng trước và tăng 19,74% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động tiêu cực lên thị trường kỳ hạn London trong ngắn hạn.
Trong khi đó, thông tin thời tiết từ Brazil cho thấy các vùng trồng cà phê chính ở phía đông nam tiếp tục có mưa thuận lợi hỗ trợ tốt cho vụ mùa cà phê mới hiện trong giai đoạn phát triển quả, hứa hẹn sẽ tiếp tục có một vụ mùa bội thu./.