Thị trường ô tô tháng Ngâu: Nhiều ưu đãi nhưng sức mua yếu

Mặc dù trong tháng Ngâu năm nay có nhiều hãng xe, đại lý tung ra ưu đãi, giảm giá sâu nhằm kích cầu nhưng sức mua vẫn giảm đáng kể so với mọi năm do quan niệm kiêng kị dân gian và người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu.

Theo quan niệm dân gian, vào tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch), người dân thường hạn chế mua sắm những đồ vật, sản phẩm có giá trị lớn. Cũng chính vì lý do này mà sức mua ô tô vào tháng Ngâu năm nay (từ giữa tháng 8 đến hết tháng 9 dương lịch) cũng giảm đáng kể, ngay cả khi năm nay nhiều hãng xe đua nhau ra các ưu đãi, khuyến mại.

Báo cáo của Hiệp hội sản xuất ô tô Đông Nam Á (ASEAN Automative Federation) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường Việt Nam tiêu thụ 137.327 xe, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau thị trường Myanmar (giảm 76,4%).

Để kích cầu tiêu dùng thời điểm này các hãng sản xuất xe ô tô đồng loạt đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm. Trong tháng 9 này, Honda Việt Nam thông báo hãng đang phối hợp với hệ thống đại lý ô tô áp dụng đợt giảm giá, khuyến mại lớn dành cho khách hàng. Theo đó, khách hàng mua các mẫu xe Honda City, BR-V, CR-V, Civic và Accord trong khoảng thời gian từ ngày 7-30/9/2023 nhận được nhiều ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ kèm các quà tặng.

Honda CR-V được hưởng lợi nhiều nhất khi giảm 150 triệu đồng tiền mặt bên cạnh khoản hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ theo chính sách của Chính phủ. Đối với Honda City bản L và G được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, bao gồm 50% theo chính sách của Chính phủ và 50% từ nhà sản xuất và phân phối. Mẫu xe Honda BR-V G được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ. Hay như các mẫu BR-V L, Civic RS và Accord được giảm giá tương đương 50% lệ phí trước bạ.

Không chỉ Honda, các sản phẩm nổi bật từ thương hiệu khác cũng có nhiều chính sách ưu đãi. Từ tháng 9/2023, THACO AUTO triển khai ưu đãi lên đến 40 triệu đồng cho các mẫu xe SUV Peugeot bao gồm Peugeot 2008, Peugeot 3008 và Peugeot 5008.

Tương tự, hãng xe Mazda cũng tiến hành giảm 90 triệu đồng cho mẫu Mazda 3 tiêu chuẩn về mức 579 triệu đồng, cùng với ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Các phiên bản còn lại có mức giảm dao động khoảng 30-40 triệu đồng.

Mekong ASEAN ghi nhận thực tế tại các đại lý ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các hãng xe đều đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi để kích cầu tiêu dùng trong tháng Ngâu nhưng lượng khách đến xem và mua hàng năm nay giảm đáng kể so với mọi năm.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông P.T.B, nhân viên tư vấn bán hàng tại Quang Huy Auto cho rằng: "Tháng 7 âm lịch, doanh thu sẽ thấp hơn so với bình thường. Năm nào cũng thế, vì nhiều người dùng Việt Nam tin vào tín ngưỡng dân gian rằng tháng 7 âm lịch nên kiêng kỵ việc mua sắm các vật dụng có giá trị lớn, bao gồm mua xe. Tuy nhiên sức mua năm nay có phần đuối hơn nhiều so với mọi năm. Từ đầu tháng đến nay, tôi mới chỉ bán được 2 chiếc xe trong khi trước đây tôi bán được khoảng 7-8 chiếc vào tháng Ngâu, thậm chí có năm lên đến 10 chiếc".

Ông N.V.Đ, phụ trách kinh doanh tại một đại lý của Toyota cho biết, thông thường, nhiều khách hàng kiêng kị việc mua xe trong tháng 7 Âm lịch nên họ thường đến đại lý xem xe, khảo giá cũng như các chính sách ưu đãi, trả góp để đặt cọc rồi nhận xe vào tháng sau đó. Tuy nhiên, lượng khách mua xe trong tháng Ngâu năm nay giảm đáng kể so với cùng kỳ, phần lớn khách hàng đều nói rằng họ chưa có nhu cầu mua sắm xe vào thời điểm này.

Người dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi mua sắm đồ có giá trị cao như ô tô trong tháng Ngâu. Ảnh: Hà Anh.

Người dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi mua sắm đồ có giá trị cao như ô tô trong tháng Ngâu. Ảnh: Hà Anh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, anh T.L.A, chủ cửa hàng chuyên mua bán ô tô cũ Khanh An Auto ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nói: "Không chỉ trong mỗi tháng 7 âm lịch mà từ đầu năm nay tình trạng ế ẩm vẫn kéo dài vì sức mua của người tiêu dùng trong năm nay khá kém, cùng với đó lượng xe tồn từ năm ngoái vẫn còn khiến các đại lý mua bán xe cũ như tôi phải tiến hành giảm giá sâu cho nhiều mẫu xe, thậm chí không dám thu quá nhiều xe cũ vì sợ lỗ. Nhiều chiếc tôi phải đưa qua các showroom lớn hơn để ký gửi, họ có khách bán được thì mình cũng yên tâm hơn vì đỡ được phần nào tiền bến bãi, bảo quản".

Song, với việc ban hành thông tư mới về biển số định danh khiến việc giải quyết giấy tờ, thủ tục pháp lý cho khách hàng trở nên khó khăn đối với các đại lý chuyên kinh doanh xe cũ như anh.

Về phía người tiêu dùng, chị T.N.T (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ với Mekong ASEAN: "Mặc dù giá xe trong tháng 7 âm lịch ở mức rẻ nhưng từ xưa các cụ quan niệm rằng, đây là thời điểm kiêng kỵ để mất tiền, không nên mua sắm nhà, xe cộ để tránh chuyện không may xảy ra nên những người như tôi vẫn còn tâm lý e ngại".

Tuy nhiên, một số người tiêu dùng lại cho rằng, quan niệm không mua sắm vào tháng Ngâu là không hợp lý. Chị N.T.T.H (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Tôi thấy việc mua xe vào tháng Ngâu chẳng làm sao cả, hơn nữa nó cũng có lợi cho tôi vì vừa được mua vào đợt giảm phí trước bạ vừa khuyến mại tiền mặt nhiều do ít người mua. Mua ngày nào chẳng được, quan trọng là ở người sử dụng và chất lượng của cái xe".

Sức mua yếu từ những khó khăn của kinh tế vĩ mô

Trước thực trạng trên, chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc trang tin Whatcarvn cho biết: "Theo quan sát của tôi, để đối phó với tình trạng sức mua ô tô suy yếu, đặc biệt là vào tháng 7 Âm lịch năm nay, các doanh nghiệp đã có động thái giảm giá, tung các chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn để kích cầu. Thậm chí một số doanh nghiệp xe có thể sẽ có những mức giảm kỷ lục lên đến vài trăm triệu bởi khả năng thanh khoản ô tô hiện rất chậm. Áp lực về hàng tồn kho và xoay vòng vốn đang là vấn đề khiến các doanh nghiệp trong ngành ô tô và đại lý đau đầu".

Lý giải việc sức mua giảm đáng kể, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu rõ, thực tế có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm ô tô dẫn đến thị trường lao dốc. Bước sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng trước bài toán tăng trưởng khó khăn do các tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu như xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường các nước.

Cùng với đó là các chính sách tín dụng được thắt chặt, lãi suất cho vay tăng cao, nguy cơ lạm phát gia tăng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn và hành vi tiêu dùng thay đổi do người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu.

"Các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, có giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, sẽ khiến người dân phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định mua xe. Điều này tạo nên một thách thức không nhỏ cho thị trường ô tô dù các hãng xe đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại", ông Lạng nói thêm.

Để sức mua cũng như thị trường ô tô nhộn nhịp trở lại, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng kiến nghị, cần có chính sách kích cầu rõ rệt hơn, chẳng hạn như tiếp tục triển khai chính sách lãi suất ưu đãi dành cho vay mua xe với thời hạn trả góp dài và tiến hành giảm thuế, phí. Theo ông, yếu tố cốt lõi để thúc đẩy thị trường ô tô hồi phục là phải giải quyết bài toán lãi suất theo hướng giảm, do phần lớn khách mua xe sẽ chọn phương án trả góp qua ngân hàng nên nếu lãi suất tăng cao thì sẽ không kích thích được tiêu dùng.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thi-truong-o-to-thang-ngau-nhieu-uu-dai-nhung-suc-mua-yeu-post26598.html