Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có cơ hội tăng trưởng khả quan năm 2023
VN-Index thêm một phiên tăng nhẹ; Thêm biến số với nợ xấu ngân hàng; Không dễ mua cổ phiếu quỹ; Thúc doanh nghiệp bảo hiểm lên sàn; PYN Elite: VN-Index đã chạm đáy; OPEC thận trọng cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong quý I/2023…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 15/12 giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 66,00 – 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ quay đầu giảm nhẹ 2,7 USD xuống mức 1.807,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng bật lên trên 1.790 USD, nhưng đã dần hạ nhiệt và giảm xuống ngưỡng 1.775 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,29 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.652 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.350 – 23.630 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 17.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã lùi về 17.700 USD/BTC và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,22 USD (-0,28%), xuống 77,06 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,19 USD (-0,23%), xuống 82,51 USD/thùng.
VN-Index nhích nhẹ
Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều với diễn biến không khác nhiều, khi nhà đầu tư vẫn rất thận trọng, đặc biệt hôm nay cũng là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12.
Thanh khoản theo đó sụt giảm khá mạnh và áp lực phân hóa cao trên bảng điện tử khiến VN-Index gần như chỉ dao động quanh ngưỡng 1.055 điểm với biên độ +/- 5 điểm cho đến khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 19,53 tỷ đồng, với tổng giá trị mua ròng đạt 303,82 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 15/12: VN-Index tăng 4,89 điểm (+0,47%), lên 1.055,32 điểm; HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,12%), xuống 212,95 điểm; UpCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,66%), lên 72,59 điểm
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall suy yếu trong phiên ngày thứ Tư (14/12), sau khi Fed quyết định nâng lãi suất thêm 0,5%.
Đúng như dự báo, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed quyết định nâng lãi suất thêm 0,5% và nâng phạm vi mục tiêu lên 4,25%-4,5%, mức cao nhất trong 15 năm. Mức tăng lần này nhẹ nhàng hơn 4 đợt tăng 75 điểm cơ bản trước đó.
Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Dow Jones giảm 142,29 điểm (-0,42%), xuống 33.966,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,33 điểm (-0,61%), xuống 3.995,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 85,93 điểm (-0,76%), xuống 11.170,89 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, theo dõi phiên đi xuống trên Phố Wall đêm qua, do lo ngại về triển vọng của các công ty gia tăng, sau khi Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian dài hơn.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,37% xuống 28.051,70 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,18% xuống 1.973,90 điểm.
“Thị trường Nhật Bản đã thoát khỏi những yếu tố tiêu cực sau cuộc họp FOMC (Ủy ban thị trường mở liên bang). Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ khi Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất”, Chihiro Ohta, trợ lý tổng giám đốc nghiên cứu đầu tư và dịch vụ nhà đầu tư tại SMBC Nikko Securities, cho biết.
Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất máy móc công nghiệp hoạt động tốt nhất trên Nikkei 225, với Kawasaki Heavy Industries tăng 5,02%, Mitsubishi Heavy Industries tăng 4,13% và Hitachi Zosen tăng 3,1%.
Các nhà khai thác cửa hàng bách hóa cũng tích cực hơn với Takashimaya Isetan Mitsukoshi Holdings tăng lần lượt 2,02% và 2,93%.
Đáng chú ý là cổ phiếu Euglena tăng 10,43%, sau khi công ty liên doanh sinh học cho biết họ đang nghiên cứu khả năng phát triển và vận hành một nhà máy lọc dầu sinh học ở Malaysia với tập đoàn năng lượng Eni của Ý và Petroliam Nasional Berhad của Malaysia (Petronas).
Chứng khoán Trung Quốc giảm, do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng và Fed dự kiến tăng lãi suất trong thời gian dài hơn đã đè nặng lên tâm lý thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,25% xuống 3.168,65 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,07% xuống 3.951,99 điểm.
Trung Quốc đã báo cáo sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ trong tháng 11 kém hơn dự kiến, do các biện pháp hạn chế Covid lan rộng.
Dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 2,2% trong tháng 11, giảm so với mức tăng 5% trong tháng 10 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng về mức tăng trưởng 3,6%.
Doanh số bán lẻ cũng nỗi thất vọng lớn khi giảm 5,9%, cao hơn so với dự kiến trong tháng 11, sau khi giảm 0,5% trong tháng 10. Thị trường kỳ vọng mức giảm 3,7%.
Trong khi đó, các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, tiếp tục vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm bệnh, sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt đối với COVID vào tuần trước.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, viết: “Khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động kinh tế chắc chắn sẽ chậm lại, nhưng kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy sự chậm lại này chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, khẩu vị rủi ro cũng bị kiềm chế bởi việc Fed tăng lãi suất và hứa hẹn sẽ tăng thêm nhiều đợt nữa vào năm tới, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái”.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất phiên này là của Tập đoàn Meheco China đã tăng 10%, sau khi tập đoàn dược phẩm này ký thỏa thuận với Pfizer Inc để nhập khẩu và phân phối thuốc điều trị COVID đường uống Paxlovid.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi nhóm cổ phiếu bất động sản kéo lùi.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,55% xuống 19.368,59 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,65% xuống 6.591,46 điểm.
Cổ phiếu bất động sản Trung Quốc giảm ở cả Hồng Kông và Đại lục, sau khi kế hoạch tăng trưởng mới của Bắc Kinh nhắc lại rằng “nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ”, làm tiêu tan hy vọng về sự đảo ngược chính sách hỗ trợ mạnh đối với ngành này.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần sáu tuần, với các công ty nền tảng internet thua lỗ, sau bình luận tăng lãi suất của Fed và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 38,28 điểm, tương đương 1,60% xuống 2.360,97 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 4/11.
Cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,98%, SK Hynix mất 1,96% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 2,51%.
Cổ phiếu các công ty nền tảng Internet dẫn đầu mức giảm, với Naver giảm 5,68% và Kakao giảm 5,79%, với các công ty con tài chính Kakaobank và Kakaopay lần lượt giảm 9,23% và 9,35%.
Kết thúc phiên 15/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 104,51 điểm (-0,37%), xuống 28.051,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,88 điểm (-0,25%), xuống 3.168,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 304,86 điểm (-1,55%), xuống 19.368,59 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 38,28 điểm (-1,60%), xuống 2.360,97 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Thêm biến số với nợ xấu ngân hàng
Thực trạng khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, trái phiếu địa ốc nói riêng, đang gây áp lực lên nợ xấu ngân hàng..>> Chi tiết
- Không dễ mua cổ phiếu quỹ
Sẵn nguồn lực không có nghĩa công ty sẽ dễ dàng được mua lại cổ phiếu của chính công ty, mà cần tuân thủ các quy định về hồ sơ cũng như cách thức giao dịch..>> Chi tiết
- Thúc doanh nghiệp bảo hiểm lên sàn
Lên sàn chứng khoán là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, quản trị của doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn tới, theo đề xuất của Bộ Tài chính..>> Chi tiết
- PYN Elite: VN-Index đã chạm đáy, chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan 2023
Trong thư gửi nhà đầu tư ngày 15/12/2022, PYN Elite nhận định, chỉ số VN-Index đã chạm đáy vào tháng 11/2022 ở mức 900 điểm. Thị trường có cơ hội để tăng trưởng khả quan năm 2023..>> Chi tiết
- OPEC thận trọng cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong quý I/2023
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã kêu gọi các quốc gia thành viên "cảnh giác và thận trọng" khi họ giảm ước tính về lượng dầu thô mà tổ chức sẽ cần bơm trong những tháng tới..>> Chi tiết