Thị trường vàng 'đứng hình', mua không có, bán không xong
Nếu như vào thời điểm tháng 6, nhiều người chen lấn để mua vàng, thì hiện nay, cảnh mua bán vô cùng ảm đạm, thậm chí người dân nếu có nhu cầu bán vàng, các tiệm vàng cũng không dám mua.
Việc thị trường vàng bị "đứng hình" xuất phát từ hàng loạt động thái siết chặt quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với Quyết định số 324/2024 về việc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, từ ngày 17-5.
Cũng theo Quyết định 324, quy định về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ về mua bán vàng để kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Để mua được vàng miếng, khách hàng phải đăng ký trên các kênh thương mại điện tử, mua online qua các ứng dụng apps, hoặc các điểm bán vàng trực tiếp tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV và Công ty SJC. Thực tế đăng ký và có mua vàng được hay không lại là một chuyện khác.
Riêng đối với vàng nhẫn, mặc dù mỗi ngày đều có công bố giá theo diễn biến giá thế giới, nhưng cũng rất khó mua. Thế nhưng, muốn bán vàng cũng hết sức gian nan.
Để tìm hiểu, chúng tôi đã ghé vào tiệm vàng Kim Xuyến Vinh ở số 50 An Dương Vương (quận 5, TPHCM). Cửa hàng này vẫn mở cửa bình thường, nhưng nhìn vào các tủ trưng bày thì không thấy vàng đâu. Khi biết chúng tôi muốn mua vàng, ngay lập tức được bà chủ tiệm trả lời “không có vàng bán em ơi”.
Vậy muốn bán vàng thì sao? Bà Xuyến trả lời: "Giờ thu mua vàng cũng mệt mỏi lắm, người muốn bán phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc vàng. Nhưng ngặt nỗi, đa số người dân đã mua vàng từ lâu và không còn giữ giấy tờ giờ đem đi bán không thể bán được. Tiệm vàng chấp hành theo quy định thanh tra không dám thu mua lại, nếu thâu vào lỡ bị phát hiện sẽ bị phạt".
Chính vì vậy, hiện cả tiệm vàng và người dân có vàng muốn bán đều chịu trận, không thể làm ăn được gì. Bà Xuyến kể: “Có lần tôi phải bấm bụng từ chối một trường hợp đến tiệm của mình để bán vàng lấy tiền chữa bệnh. Đó là một gia đình đưa người thân từ quê lên Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh, và trong lúc hết tiền đã chạy đến tiệm của bà để bán 2 chỉ vàng".
Theo bà Xuyến, muốn chứng mình yêu cầu người bán phải có hóa đơn chứng minh là chủ nhân của số vàng. Trong khi thực tế người bán làm gì còn hóa đơn, bởi số vàng đã được mua từ lâu, không thể nào còn giấy tờ.
Mua vàng để làm của cải đã trở thành thói quen của nhiều người dân Việt Nam. Thế nhưng, khi cần cho việc chi tiêu, làm ăn thì có vàng mang đi bán cũng hết sức gian nan. Như chia sẻ của chị Tô Hoàng Diễm Trinh (quận 3, TPHCM), người bạn của chị trong lúc cần tiền để làm ăn, khi đó đã mang 15 lượng vàng nhẫn đến 3 cửa hàng để bán, nhưng tất cả các cửa hàng đều từ chối thu mua vì không còn hóa đơn nào chứng minh nguồn gốc số vàng.
Số vàng này theo chị Trinh không có giấy tờ truy xuất nguồn gốc. Hồi đám cưới, họ được bà con, cô bác, dòng họ cho để làm của cải và diễn ra cũng đã lâu. Nay theo quy định phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc mới bán được thì quả thật rất khó.
Thời gian gần đây, khu vực kinh doanh vàng dọc theo mặt tiền đường An Dương Vương hay Nguyễn Duy Dương gần chợ An Đông (quận 5) được xem là "thủ phủ" mua bán vàng, trở nên vắng lặng, không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như trước. Mặc dù các cửa hàng vẫn mở cửa hằng ngày, nhưng không có người dân tới mua, chỉ người bán là chủ tiệm và nhân viên “xoay tua” trực cửa hàng cho có.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh vàng, Quyết định 324 chỉ là tạm thời, nhằm khống chế việc đầu cơ của rất nhiều người làm náo loạn thị trường vàng khi giá vàng thế giới liên tục tăng. Sau đó sẽ chỉnh sửa lại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.
Thế nhưng, cho đến nay giới kinh doanh vàng cho biết vẫn chưa thấy chốt phương án sửa đổi Nghị định 24. Vì vậy việc kéo dài thời gian thanh tra, khiến doanh nghiệp kinh doanh vàng lâm vào tình cảnh khó khăn, bế tắc.