Thị xã Nghi Sơn tăng cường các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội ở thị xã Nghi Sơn đã có sự chuyển biến tích cực. Song, tình hình ma túy, mại dâm vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp.

Tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội cho công nhân Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam ở phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn.

Ngoài dân số 254.000 người, sinh sống ở 16 phường, 15 xã, thị xã Nghi Sơn còn có Khu Kinh tế Nghi Sơn thu hút một lượng lớn người lao động trong và ngoài nước đến làm việc. Do đó, các loại hình dịch vụ như nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ văn hóa, café giải khát phát triển. Đây được xem là cơ sở để tệ nạn mại dâm, xã hội lợi dụng hoạt động.

Theo số liệu thống kê, thị xã có 120 nhà nghỉ, khách sạn, trong đó 6 cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm. Năm 2019 trên địa bàn thị xã có 27 đối tượng hoạt động mại dâm, chủ yếu là nữ nhân viên trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện và từ nơi khác đến Khu Kinh tế Nghi Sơn lao động. Năm 2020 có khoảng 20 đối tượng là nhân viên có biểu hiện nghi vấn hoạt động mại dâm. Theo Thượng tá Trịnh Văn Giang, Trưởng Công an thị xã Nghi Sơn, thì con số này không cố định mà thường xuyên biến động theo từng thời điểm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và tệ nạn mại dâm cũng có nhiều thay đổi. Chúng thường núp dưới danh nghĩa là nhân viên các cơ sở kinh doanh có điều kiện và được trang bị phương tiện như điện thoại di động, xe máy tốt để hoạt động. Về thủ đoạn của tội phạm chứa mại dâm và môi giới mại dâm, chúng không để gái mại dâm và khách mua dâm hoạt động mại dâm ở cơ sở kinh doanh hay nhà của mình; mà sau khi đã thỏa thuận và lấy tiền xong, chúng sẽ để gái mại dâm và khách mua dâm đi đến địa điểm khác để thực hiện hành vi mua bán dâm...

Trước thực trạng trên, UBND thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của tệ nạn mại dâm, ma túy đến toàn thể Nhân dân. Đối với các đơn vị chức năng thực hiện công tác phối hợp kiểm tra liên ngành; khảo sát nắm bắt tình hình, nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật; rà soát, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tội phạm liên quan đến mại dâm, ma túy để theo dõi, quản lý. Đồng thời, đề xuất với cơ quan chức năng đấu tranh triệt phá các tụ điểm có biểu hiện hoạt động mại dâm và nghi vấn hoạt động mại dâm trá hình như karaoke, nhà nghỉ, khách sạn...

Trong năm 2020, các lực lượng chức năng thị xã Nghi Sơn đã xử lý 3 vụ môi giới mại dâm với 4 bị can; môi giới và chứa mại dâm 1 vụ, 3 bị can; mua bán trái phép chất ma túy 2 vụ, 6 bị can; tàng trữ chất ma túy 36 vụ, 45 bị can; tổ chức sử dụng ma túy 7 vụ, 24 bị can... Về công tác cai nghiện ma túy, đã tổ chức đưa 25 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, điều trị methadone cho 80 người và thường xuyên tổ chức cấp phát thuốc methadone tại 2 trạm y tế ở phường Hải Ninh và xã Tân Trường.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song tình hình ma túy, mại dâm trên địa bàn thị xã vẫn có xu hướng diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực giáp ranh, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý Nhà nước về an ninh trật tự và quản lý địa bàn dân cư của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi còn lỏng lẽo. Một số người dân chưa ý thức được tác hại của mại dâm, ma túy. Một bộ phận thanh, thiếu niên chây lười lao động, thích đua đòi, hưởng thụ đã coi nhẹ giá trị đạo đức xã hội, vật chất hóa các giá trị đạo đức để thỏa mãn ham muốn của mình. Trong khi thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm và tệ nạn mại dâm ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm chống lại sự phát hiện của cơ quan chức năng và cơ quan công an. Số đối tượng là gái mại dâm phần lớn từ tỉnh khác đến hoạt động lưu động, lợi dụng thuê phòng nghỉ, bắt mối với khách để hoạt động mại dâm, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý.

Để khắc phục những tồn tại nói trên và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, mại dâm trên địa bàn, thị xã Nghi Sơn cần xây dựng chương trình hành động của địa phương gắn với chương trình quốc gia phòng, chống tệ nạn xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ người bán dâm, tạo điều kiện để họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý, được chữa bệnh, học nghề miễn phí để tái hòa nhập cộng đồng.

Trong phòng, chống ma túy, quán triệt phương châm “Lấy phòng ngừa là chính, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức là cơ bản, lấy dân làm gốc, gia đình làm tế bào, xã, phường, thôn, làng, bản, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, làm điểm tựa. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Trong tuyên truyền, giáo dục chủ yếu dựa vào các tổ chức đoàn thể và nhà trường. Bên cạnh đó, cần kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thâm nhập vào địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát việc thực hiện pháp luật về phòng chống ma túy, coi kết quả thực hiện nhiệm vụ này ở các cơ quan, đơn vị, chi bộ đảng... là một tiêu chí để bình xét thi đua, phân loại tổ chức đảng và khen thưởng hàng năm. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù phong tục tập quán của từng địa phương. Trên cơ sở đó, lựa chọn, triển khai các hoạt động phù hợp, thí điểm và nhân rộng các mô hình phòng chống ma túy, mại dâm ở cộng đồng dân cư có hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về dự phòng và điều trị cai nghiện cho cán bộ quản lý, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Quản lý chặt chẽ người nghiện; tổ chức cho tất cả người nghiện được khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức điều trị, cai nghiện phù hợp; áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục người nghiện và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện và phòng ngừa tái nghiện...

Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/thi-xa-nghi-son-tang-cuong-cac-giai-phap-phong-chong-te-nan-xa-hoi/131074.htm