Thích ứng linh hoạt và ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề đến hầu hết tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. Trước bối cảnh mới đòi hỏi giải pháp mới: Cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Tình hình đó đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi trong việc ưu tiên, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ban hành để vừa chủ động thích ứng, kiểm soát tình hình dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đó là “Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19…; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập;… thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số…”.

Tại hội nghị Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: phục hồi và phát triển bền vững, một trong những giải pháp được đại diện Tập đoàn FPT cho rằng: COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm đình đốn sản xuất kinh doanh và đảo lộn cuộc sống. Đồng thời COVID-19 cũng làm bộc lộ rõ những bất cập trong quản lý nhà nước, quản trị công ty, trong hoạch định tương lai, thiếu hụt về hạ tầng, trình độ nguồn nhân lực, công nghệ; đặc biệt là về công nghệ thông tin, cũng như cơ hội phát triển trong bối cảnh toàn cầu dưới tác động tiêu cực, phức tạp, đa chiều của COVID -19. Chuyển đổi số, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh, là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021 - 2025 cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của Nhân dân, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng địa phương và của cả quốc gia.

Hiện nay, FPT đang đồng hành với 40 tỉnh, thành trong công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa GRDP, cải thiện mạnh mẽ chỉ số cạnh tranh của địa phương PCI, mức độ hài lòng của người dân PAPI, cải cách hành chính PAR, chỉ số về chuyển đổi số DTI và năng lực đổi mới, sáng tạo tại địa phương.

Bắt kịp xu hướng chung đó, tỉnh Lâm Đồng, trong đó có huyện Lạc Dương đã rất chủ động tăng tốc thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số. Lạc Dương là huyện có tới 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong thời điểm khó khăn của COVID-19, địa phương đã linh hoạt, thích ứng chuyển đổi số, kinh tế số, nâng cao nhận thức ý thức.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết: Thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, Lâm Đồng đã thực hiện tốt, Lạc Dương cũng đạt hiệu quả cao. Chúng tôi nhận thấy việc thích ứng này mang lại hiệu quả rất mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Huyện Lạc Dương đã và đang tích cực trong chuyển đổi số từ năm 2019, chuyển toàn bộ văn bản hành chính sang ký số, không dùng văn bản giấy. Cùng với việc triển khai đồng bộ hệ thống chữ ký số giúp cán bộ, công chức, viên chức các cấp xử lý văn bản hành chính nhanh hơn qua môi trường mạng, đã giảm thiểu chi phí in ấn, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.

Lạc Dương là huyện đầu tiên triển khai họp trực tuyến từ huyện đến xã; qua đó đã giúp giảm chi phí đi lại, đặc biệt trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang nỗ lực tập trung phòng, chống dịch… Nội dung này cũng giúp Lạc Dương phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, được tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Để thích ứng linh hoạt, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục chuyển đổi số trên các lĩnh vực.

Vừa qua, tại Hà Nội, trong lễ vinh danh và trao giải thưởng thành phố thông minh Smart City Award 2021 đã trao 45 giải thưởng cho 4 đô thị (9 giải thưởng) và 36 giải pháp công nghệ số phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, Đà Lạt được trao 2 giải thưởng cho Thành phố du lịch thông minh DalatFlowerCity của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng và Ứng dụng công nghệ thông minh vào điều hành và quản lý thành phố của UBND TP Đà Lạt. Đây là sự khẳng định những nỗ lực của Đà Lạt - Lâm Đồng trong nỗ lực chuyển đổi số - một xu thế tất yếu cần nắm bắt và tích cực triển khai để thúc đẩy phát triển toàn diện.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/thich-ung-linh-hoat-va-ung-dung-hieu-qua-chuyen-doi-so-3095064/