'Thiên đường' Bali thành tâm điểm chú ý

Vai trò chủ nhà của Indonesia được cho là sẽ gặp nhiều thách thức trong hội nghị G20 được mô tả là căng thẳng nhất về ngoại giao từ trước đến nay.

Sự tươi vui và thanh bình của các bãi biển tại Bali sẽ tạm lu mờ, thay vào đó là bầu không khí được dự báo nhiều sức nóng khi lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới tề tựu tại Indonesia cho Hội nghị thượng đỉnh G20.

Vào lúc này, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận, như xung đột Nga - Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát, mối đe dọa suy thoái, và đặc biệt là tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn với BBC trước thềm G20, Tổng thống Widodo bày tỏ sự lạc quan về những gì được mô tả là cuộc họp G20 căng thẳng nhất về mặt ngoại giao từ trước đến nay.

Tại hội nghị thường niên bao gồm 20 nền kinh tế hàng đầu được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999, năm nay, Indonesia với lập trường không chọn bên cũng đang đứng trước bài toán khó khi cần đáp ứng những nhu cầu khác nhau của các vị khác đến từ những nền kinh tế hàng đầu.

Nguy cơ căng thẳng Mỹ - Trung phủ bóng

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp mặt song phương vào ngày 14/11, trong thời điểm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lên tới đỉnh điểm.

“Không thể có hòa bình mà không có đối thoại”, ông Widodo nói. “Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden có thể gặp nhau, đó là điều tốt cho thế giới, đặc biệt khi họ có thể đồng thuận về cách phục hồi thế giới”, nhà lãnh đạo Indonesia khẳng định.

 Những hội nghị bên lề G20 đã diễn ra trước khi các lãnh đạo thế giới gặp nhau tai cuộc họp thượng đỉnh. Ảnh: Reuters.

Những hội nghị bên lề G20 đã diễn ra trước khi các lãnh đạo thế giới gặp nhau tai cuộc họp thượng đỉnh. Ảnh: Reuters.

Như nhiều quốc gia khác, Indonesia hưởng lợi từ kinh tế tự do và chủ nghĩa đa phương. Mỹ luôn là đối tác quan trọng nhất của nước này, trong khi không thể xem nhẹ Trung Quốc với tư cách một trong hai nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Một kỷ nguyên mà Mỹ và Trung Quốc không hòa hợp sẽ khiến các nước châu Á chịu ảnh hưởng. Giới quan sát cho rằng căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh cũng làm tăng nguy cơ xung đột ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cầu nối giữa những căng thẳng

Vấn đề then chốt mà bản thân ông Widodo muốn nhấn mạnh là an ninh lương thực. Ông cho rằng tình hình ở Ukraine đã tác động đến giá lương thực, ảnh hưởng đến 275 triệu dân Indonesia. Ông nói rằng xung đột ở Ukraine là “cơn đau đầu” đã chiếm phần lớn tâm trí ông.

Đảm bảo nguồn xuất khẩu ngũ cốc ổn định là một trong những lý do tổng thống Indonesia có một loạt chuyến công du, và đã gặp cả người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thuyết phục hai bên ngồi vào bàn đàm phán G20.

“Tôi nghĩ nó sẽ rất tuyệt nếu ông Putin và ông Zelensky có thể ngồi cùng một bàn, để giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông Widodo nói.

Hiện Điện Kremlin đã xác nhận Tổng thống Putin sẽ không dự G20, trong khi ông Zelensky có thể tham gia trực tuyến.

Sự thận trọng của Indonesia cũng là thử thách không nhỏ cho Tổng thống Widodo.

"Có rất nhiều áp lực trong vai trò chủ nhà và phải đáp ứng tất cả kỳ vọng khác nhau", Christoph Heusgen, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, nói. "Với Indonesia, vốn là một đất nước tự hào vì thuộc nhóm không liên kết, điều này sẽ còn khó khăn".

Theo Financial Times, ông Widodo bày tỏ sự thất vọng ghi G20 bị coi là đấu trường chính trị thay vì một cơ chế kinh tế và hợp tác.

Indonesia vẫn muốn thượng đỉnh lần này có thể mang đến những lợi ích kinh tế và tăng cường phục hồi, khả năng bước ra khỏi đại dịch của Indonesia có đã có thể xem là một chiếc thắng.

 Đảm bảo an ninh lương thực là trọng tâm của ông Widodo trong các cuộc gặp nhà lãnh đạo Ukraine và Nga hồi tháng 6. Ảnh: DW.

Đảm bảo an ninh lương thực là trọng tâm của ông Widodo trong các cuộc gặp nhà lãnh đạo Ukraine và Nga hồi tháng 6. Ảnh: DW.

Di sản đối ngoại của ông Widodo

Ông Widodo đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ tổng thống, sẽ khép lại vào năm 2024 sau 2 nhiệm kỳ tại vị.

Khi vừa nhậm chức vào năm 2014, hình ảnh ông "Jokowi" - tên người ở quê nhà thường gọi ông - hiếm nổi bật trên trường quốc tế. Nhưng nỗ lực đăng cai nước chủ nhà G20 đã thể hiện những thành công về uy tín của Indonesia, một phần nhờ nỗ lực ngoại giao không ngừng của ông Widodo.

Dẫu có vị thế trên trường quốc tế, nhưng tỷ lệ ủng hộ trong nước của ông Widodo liên tục giảm, một phần do tình hình giá cả tăng cao.

Dù vậy, Indonesia đã vượt qua sự sụt giảm kinh tế, với việc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là “quốc gia có thành tích tốt” trong các nền kinh tế khu vực.

“Những gì chúng tôi muốn thấy vào năm 2045 là kỷ nguyên vàng của Indonesia được hiện thực hóa. Đến năm 2030, chúng tôi kỳ vọng Indonesia sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới.

Tương lai của Indonesia phụ thuộc vào môi trường kinh tế toàn cầu ổn định, điều mà ông Widodo kỳ vọng sẽ đạt được các cam kết đảm bảo tại thượng đỉnh G20. Việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao của Indonesia cũng báo trước một thời kỳ mới về việc tham gia các vấn đề toàn cầu của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thien-duong-bali-thanh-tam-diem-chu-y-post1374762.html