Thiến sinh học có làm giảm được tội phạm xâm hại tình dục trẻ em?

Mới đây, biện pháp thiến sinh học lần nữa được các Đại biểu Quốc hội nhắc lại khi đề xuất áp dụng hình phạt với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khẳng định, cả hai hình thức thiến đó vẫn khó triệt tiêu được mầm mống tội phạm.

Nhiều người mắc bệnh ấu dâm mang tâm lý mặc cảm, tội lỗi

Thực chất của rối loạn ấu dâm là người có nhiều cảm hứng tình dục với trẻ em dưới tuổi dậy thì. Đây là một dạng bệnh hình thành do rối loạn tâm thần. Trong nhiều trường hợp đối tượng phạm tội cũng không muốn vậy, họ xuất hiện nhiều cảm giác tội lội sau đó, thậm chí trước đó nhưng lại không có khả năng kiềm chế hành vi.

Một trong những việc làm để nhóm đối tượng mang bệnh lý này thỏa mãn nhu cầu của mình là thích xem tranh ảnh, phim khiêu dâm của trẻ em. Họ nghiện tới mức phải sưu tầm. Biểu hiện ở mức độ cao hơn là tìm cơ hội lạm dụng tình dục trẻ em, sờ soạng, thậm chí hiếp dâm trẻ em. Tất nhiên, cũng có người mắc chứng bệnh này nhưng họ có khả năng điều tiết xúc cảm tốt sẽ không thực hiện hành vi lạm dụng trẻ em.

Xâm hại tình dục trẻ em sẽ khiến trẻ mang di chứng sợ hãi kéo dài, thậm chỉ nó sẽ là nỗi ám ảnh suốt đời.

Xâm hại tình dục trẻ em sẽ khiến trẻ mang di chứng sợ hãi kéo dài, thậm chỉ nó sẽ là nỗi ám ảnh suốt đời.

BS chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Yên, Trung tâm Tư vấn Tâm lý, Sức khỏe và Cuộc sống Minh Hương cho biết, bà từng phải tư vấn cho một đối tượng mắc chứng ấu dâm.

"Dù chỉ nghe qua điện thoại nhưng tôi cảm nhận rõ được sự đau khổ của ông ấy vì mắc chứng bệnh quái đản. Ông ấy rất mặc cảm và luôn thấy mình tội lỗi. Ông ấy gần 60 tuổi rồi nhưng chỉ thích được đụng chạm vào bạn của cháu gái mới 10 tuổi.

Nhiều khi lên Facebook cũng chỉ là để vào trang cá nhân của mẹ cháu bé để xem hình. Thậm chí ông ấy còn lưu cả ảnh cháu bé đó vào máy tính, điện thoại của mình để ngắm. Nhất là những bức ảnh mặc quần cộc, áo dây.

Khi thấy trẻ có những biểu hiện tâm lý bất thường, lo âu, sợ hãi, cha mẹ hãy theo sát, tìm hiểu về sự an toàn của con.

Khi thấy trẻ có những biểu hiện tâm lý bất thường, lo âu, sợ hãi, cha mẹ hãy theo sát, tìm hiểu về sự an toàn của con.

Trong cuộc điện thoại với tôi, ông ấy liên tục nhắc đi nhắc lại tôi thấy tội lỗi, xấu hổ và nhục nhã. Nhưng bản thân không thể dừng lại những việc làm vụng trộm đó. Thậm chí, nhiều hôm cháu bé đó đến nhà ông chơi cùng với cháu gái của mình, ông chỉ quanh quẩn chỗ bé gái đó để ngắm nhìn và thỏa mãn".

Cũng theo BS Yên, đối với những người mắc chứng bệnh ấu dâm, không phải ai cũng xâm hại trẻ em. Nhưng những người xâm hại trẻ em thường có xu hướng bạo hành do các động cơ như stress kéo dài, cuộc sống hôn nhân không tốt, không có bạn tình cùng trang lứa, nghiện các chất gây nghiện và có xu hướng bị xã hội chối bỏ…

Thiến sinh học người bị thiến sẽ thành "hoạn quan"

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam Học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, thiến sinh học là cắt bỏ hai tinh hoàn. Theo đó, người bị thiến sinh học sẽ bị suy giảm ham muốn tình dục, tước bỏ khả năng sinh con.

Thiến sinh học hay thiến hóa học đều không thể ngăn chặn triệt để được đối tượng mắc chứng ấu dâm xâm hại trẻ em.

Thiến sinh học hay thiến hóa học đều không thể ngăn chặn triệt để được đối tượng mắc chứng ấu dâm xâm hại trẻ em.

Thiến hóa học là tiêm hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu ham muốn về tình dục. Thiến hóa học chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định. Không sử dụng quá nhiều, người nam đó vẫn có khả năng có con. Trường hợp tiêm quá nhiều mới ảnh hưởng tới chức năng sinh sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có cơ quan chức năng cấp phép thực hiện biện pháp này.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng cũng cảnh báo rằng, nếu việc xâm hại trẻ em xuất phát từ hành vi thì ngay cả khi thiến cũng không thể kìm hãm được đối tượng mắc bệnh lý đó loại bỏ khả năng xâm hại tình dục trẻ em. Bởi rối loạn này là trong suy nghĩ, không phải do nội tại của cơ thể. Vì vậy, áp dụng biện pháp thiến với loại tội phạm này cũng không xử lý triệt để được việc phát sinh tội phạm xâm hại trẻ em

Theo các chuyên gia lĩnh vực tình dục thì đến thời điểm hiện tại chưa có phác đồ điều trị triệt để chứng rối loạn ấu dâm bao gồm trị liệu về tâm lý cũng như sử dụng thuốc, thiến. Vì vậy, ngay cả khi áp dụng hình thức xử phạt bằng thiến cũng khó ngăn ngừa được hành vi sai trái của loại tội phạm này tái diễn.

Đông An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thien-sinh-hoc-co-lam-giam-duoc-toi-pham-xam-hai-tinh-duc-tre-em-20200528161929439.htm