Thiên tai ngày càng diễn biến khốc liệt, dị thường

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thiên tai ngày càng diễn biến khốc liệt, dị thường, do đó công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh đứng trước những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức, sự quan tâm của toàn xã hội...

Ngày 11/10, tại TP Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai với chủ đề "Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai".

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thiên tai đã và đang trở thành một trong những mối hiểm họa lớn nhất của toàn nhân loại. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thế giới chứng kiến nhiều trận thiên tai khốc liệt, dị thường.

Thừa Thiên Huế nằm ở miền Trung Việt Nam, có diện tích tự nhiên hơn 4.947km2, dân số trên 1,2 triệu người, hàng năm thường đối mặt với các trận thiên tai bão, lũ, sạt lở đất. Điển hình như cơn lũ lịch sử năm 1999, mưa lũ năm 2020.

Trước diễn biến thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường, công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Thừa Thiên Huế đứng trước những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức, sự quan tâm của toàn xã hội.

Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước thiên tai, cần được đặc biệt quan tâm, đồng thời phải có cách tiếp cận phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ em.

"Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, thế hệ công dân toàn cầu đóng vai trò chủ chốt góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, bền vững. Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai là nhiệm vụ chiến lược của tỉnh", ông Phương nhấn mạnh.

Hiện trường lực lượng chức năng tìm kiếm công nhân mất tích do sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020.

Hiện trường lực lượng chức năng tìm kiếm công nhân mất tích do sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NT&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, bão số 3 (Yagi) – cơn bão được ghi nhận mạnh nhất trong 70 năm qua đổ bộ tại các tỉnh miền Bắc vào đầu tháng 9 để lại hậu quả cực kỳ nặng nề với Việt Nam. Hơn 300 người chết, hàng nghìn người bị thương, hàng chục nghìn căn nhà hư hỏng và thiệt hại chung cho nền kinh tế ước tính tới 3 tỷ đô la Mỹ.

"Vào thời điểm khốc liệt bởi thiên tai, chúng ta đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, với sự vào cuộc nhanh chóng của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ và tinh thần lá lành đùm lá rách của người Việt Nam", ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, ngay khi mưa bão chưa dứt, các chuyến bay chở hàng hóa liên tiếp đưa hàng cứu trợ khẩn cấp từ khắp nơi trên thế giới, từ khối ASEAN hay những đất nước xa xôi như Úc, Nhật Bản, Nga, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Hoa Kỳ... đến Nội Bài.

Các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài cũng ngay lập tức tiến hành đánh giá nhu cầu khẩn cấp để kích hoạt các gói hỗ trợ và triển khai các cam kết giúp khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân tái thiết lại cuộc sống.

"Mặc dù, hỗ trợ chỉ là một phần rất nhỏ trước nhu cầu của người dân khu vực thiên tai, nhưng nó thể hiện sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế tới các nạn nhân thiên tai. Nó là minh chứng cho sự đoàn kết của con người trước các thảm họa thiên tai", ông Hiệp bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nói về thế hệ trẻ - về trách nhiệm và vai trò của các em đối với công tác phòng chống thiên tai, ở đây trách nhiệm trước hết với chính bản thân mình, với sự an toàn, tính mạng của bản thân trước thiên tai.

"Khi có thể tự bảo vệ mình, hi vọng các em tiếp tục học tập, trưởng thành hơn để hỗ trợ những người xung quanh, gia đình và rộng ra là cộng đồng", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thien-tai-ngay-cang-dien-bien-khoc-liet-di-thuong-169241011091447553.htm