Thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt: Bước khởi đầu đẹp hóa phố phường

Từ những năm 2000, Hà Nội đã nghiên cứu thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... tuy nhiên, do công trình hai bên tuyến phố đa dạng hình thức sở hữu nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện khiến các ý tưởng không trở thành hiện thực. Việc UBND Thành phố phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt kỳ vọng sẽ tạo tiền đề triển khai nhân rộng, thêm nhiều con phố của Hà Nội sẽ được chỉnh trang, cải tạo, góp phần xây dựng một Hà Nội văn minh và giàu bản sắc.

Cụ thể hóa quy hoạch

Trước hết cần phải hiểu rõ, việc xây dựng thiết kế đô thị của tuyến phố Lý Thường Kiệt là bước cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C nằm trong khu vực nội đô lịch sử, thuộc địa giới hành chính 11 phường của quận Hoàn Kiếm đã được UBND Thành phố phê duyệt năm 2021. Đây cũng là phân khu đô thị cũ có nhiều công trình giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc được xây dựng chủ yếu vào thời kỳ Pháp thuộc, đồng thời là khu vực bảo tồn, cải tạo, hạn chế phát triển. Do đó, đồ án sẽ tập trung xây dựng các giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo, tái thiết đô thị, không phá vỡ cấu trúc không gian kiến trúc tuyến phố Pháp cũ...

Việc chọn phố Lý Thường Kiệt để thiết kế cấu trúc cảnh quan sẽ là bước khởi điểm trong việc chỉnh trang lại các tuyến phố góp phần làm cho Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn.

Việc chọn phố Lý Thường Kiệt để thiết kế cấu trúc cảnh quan sẽ là bước khởi điểm trong việc chỉnh trang lại các tuyến phố góp phần làm cho Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn.

Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc triển khai các đồ án thiết kế đô thị chậm hơn thực tiễn gây ra hiện trạng phát triển manh mún, lộn xộn như hiện nay. Để khắc phục, Hà Nội đang nghiên cứu làm rõ đặc thù của kiến trúc từng khu phố, như khu phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố mới... để có giải pháp trong thiết kế đô thị, tạo sự thống nhất trong quản lý.

Thực tế hiện nay cho thấy, phố Lý Thường Kiệt không có các “đặc trưng” của khu phố cổ với những ngôi nhà hình ống. Tuyến phố này mang phong cách hiện đại với các tòa nhà cao tầng, biệt thự cũ cùng một số công trình có tính biểu tượng như Tòa án nhân dân tối cao, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương; trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia, các đại sứ quán Thái Lan, Australia, Cuba, Angieri… Hai bên tuyến phố có nhiều công trình cao tầng mang đặc trưng riêng như: Khách sạn Melia, Khách sạn Mercure La Gare, khách sạn Movenpick Hà Nội, tòa nhà Pacific Place, cùng với nhiều công trình công cộng, cơ quan, trường học, chùa Quán Sứ, nhà dân thấp tầng… Đa số công trình hai bên tuyến phố có chất lượng còn khá tốt, tuy nhiên tổng thể trên toàn tuyến thì hình thức và ngôn ngữ kiến trúc của các công trình chưa có sự tính toán, thống nhất.

Là đơn vị được Thành phố phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp, cải tạo các khiếm khuyết của tuyến phố Lý Thường Kiệt, đề xuất giải pháp thiết kế đô thị, chỉnh trang cảnh quan hai bên tuyến phố mang tính khả thi làm cơ sở để các cấp chính quyền áp dụng trong việc quản lý đô thị và chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hai bên tuyến phố nhằm năng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, hiện đại.

Kết nối hài hòa cấu trúc không gian

Theo thông tin công bố, khu đất nghiên cứu lập Thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt, tỉ lệ 1/500 thuộc địa giới hành chính các phường: Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài và Phan Chu Trinh, có điểm đầu là nút giao thông với phố Lê Duẩn (phía Tây), điểm cuối là nút giao thông với phố Lê Thánh Tông (phía Đông). Cụ thể, phía Bắc, Nam lấy hết ranh giới quản lý sử dụng của các ô đất lớn tiếp giáp tuyến phố Lý Thường Kiệt, lòng đường các tuyến phố giao cắt với phố Lý Thường Kiệt và ranh giới ô phố liên quan. Còn phía Tây được xác định trên cơ sở ranh giới phía Bắc và phía Nam (hai bên tuyến phố Lý Thường Kiệt), lấy đến hết ranh giới hành chính quận Hoàn Kiếm trên tuyến phố Lê Duẩn (theo ranh giới sử dụng nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức trên phố Lê Duẩn).

Phía Đông, trên cơ sở ranh giới phía Bắc và phía Nam (hai bên tuyến phố Lý Thường Kiệt), lấy đến ranh giới hè phố Lê Thánh Tông và ranh giới sử dụng nhà hoặc đất của Trường đại học Dược Hà Nội, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia. Diện tích nghiên cứu lập đồ án Thiết kế đô thị quy mô khoảng 41,16ha; diện tích khu đất lập đồ án Thiết kế đô thị khoảng 30,26ha; chiều dài tuyến khoảng 1,8km. Mục tiêu của Đồ án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 19/3/2021; phù hợp các quy hoạch đã được phê duyệt và bám sát, cập nhật các quy hoạch đang nghiên cứu trong khu vực.

Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, không phá vỡ cấu trúc không gian kiến trúc tuyến phố Pháp cũ; kết nối hài hòa không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, đặc biệt tại các khu vực tiếp giáp với các nút giao thông, các khu vực có ý nghĩa quan trọng; kết hợp giữa bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường với cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị phù hợp với các đặc trưng về lịch sử, văn hóa, xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với các tuyến phố đã ổn định chức năng trong khu vực trung tâm Thành phố như tuyến phố Lý Thường Kiệt thì thiết kế đô thị là một đồ án riêng, rất cần thiết. Trong đó, nội dung đồ án cần phải xác định rõ các tiêu chí như: Không gian đô thị hai bên tuyến phố, tầng cao xây dựng bình quân và cho từng công trình cụ thể, xác định khoảng lùi, màu sắc, hình thức kiến trúc công trình. Đặc biệt, cần đưa ra quy định cây xanh, địa hình, cốt cao độ và hạ tầng kỹ thuật… để làm tiêu chuẩn cho các công trình sau này.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thiet-ke-do-thi-tuyen-pho-ly-thuong-kiet-buoc-khoi-dau-dep-hoa-pho-phuong-158629.html